Xây dựng Hiến pháp ở một số nước

Ba Lan: Hội nghị bàn tròn - điểm khởi đầu để sửa đổi hiến pháp

- Thứ Sáu, 19/07/2013, 08:41 - Chia sẻ
Ba Lan là một trong những nước đầu tiên mà các dàn xếp về một hiến pháp đạt được thông qua một hội nghị bàn tròn. Mô hình này sau đó đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Âu và Mỹ Latin, đưa khái niệm này trở nên thông dụng trong mối liên hệ với xây dựng hiến pháp.
 
Hội nghị bàn tròn giữa Chính quyền Ba Lan và Công đoàn đoàn kết

Từ giữa năm 1988, Chính quyền Cộng sản và đại diện của Công đoàn Đoàn kết đã tiến hành đàm phán bí mật trong suốt 6 tháng về việc tổ chức một hội nghị bàn tròn bàn về con đường phía trước cho Ba Lan. Hội nghị bàn tròn sau đó được triệu tập vào tháng 2.1989. Hội nghị bàn tròn toàn thể họp không thường xuyên, phần lớn công việc của cơ quan này được thực hiện tại các ủy ban và nhóm công tác nhỏ hơn. Một số vấn đề quan trọng được giải quyết bằng thỏa thuận giữa lãnh đạo của hai bên. Vào đầu tháng 4, một thỏa thuận về con đường phía trước được hoàn thành.

Nghị viện khi đó đã xem xét thông qua một số sửa đổi Hiến pháp quan trọng, làm thay đổi về cơ bản thể chế chính trị của Ba Lan. Những điểm sửa đổi quan trọng bao gồm giải thể Quốc hội đơn viện (Sejm); cho phép bổ sung các thành viên nghị viện thuộc phe thiểu số thông qua bầu cử; thành lập thượng viện; thiết lập chức danh tổng thống với nhiều quyền lực. Vào ngày 7.4.1989, chỉ vài ngày trước khi Thỏa thuận Bàn tròn được hoàn tất, Quốc hội do Đảng cộng sản kiểm soát đã thông qua Hiến pháp sửa đổi. Bầu cử được tổ chức vào tháng 6.1989 và các ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết giành được hầu hết các ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện.

Rõ ràng là các thỏa hiệp đạt được thông qua Hội nghị Bàn tròn đã mở ra con đường cho những thay đổi tiếp theo mà sau đó có thể đạt được trong các cơ quan có tính đại diện cao hơn. Từ năm 1989 đến năm 1991, cả Hạ viện và Thượng viện đã thành lập các ủy ban của riêng mình để xem xét soạn thảo một bản Hiến pháp mới thay thế hoàn toàn Hiến pháp 1952. Tuy nhiên, hai ủy ban này hoạt động hoàn toàn độc lập và từ chối hợp tác với nhau. Quá trình tìm kiếm một bản hiến pháp mới theo cách này diễn ra rất chậm. Một số sửa đổi khác nhằm dân chủ hóa Hiến pháp 1952 được thực hiện một cách dần dần từ năm 1989 đến 1992. Nhưng kết quả đạt được chỉ là một bản hiến pháp rời rạc, thiếu mạch lạc.

Năm 1992, Quốc hội thông qua Luật Hiến pháp, quy định thủ tục chuẩn bị và thông qua hiến pháp. Luật quy định việc thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp duy nhất với thành viên được lựa chọn từ Hạ viện và Thượng viện. Một số đại diện của Tổng thống Nội các và Tòa án Hiến pháp cũng tham gia ủy ban soạn thảo nhưng không có quyền bỏ phiếu. Luật Hiến pháp cũng đưa ra một quy trình phức tạp để tiếp nhận và cân nhắc các đóng góp, đề xuất cho dự thảo, xây dựng một dự thảo hiến pháp duy nhất. Một hội nghị quốc gia (là cuộc họp hỗn hợp giữa Hạ viện và Thượng viện) được tổ chức để thảo luận về dự thảo hiến pháp, cân nhắc các sửa đổi do tổng thống đề xuất. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm thông qua bản dự thảo cuối cùng. Bản dự thảo sau khi được Hội nghị Quốc gia thông qua được đưa ra trưng cầu dân ý.

Quy trình lập hiến theo Luật Hiến pháp được bắt đầu vào tháng 10.1992, bị gián đoạn bởi nhiều sự kiện, nhưng bản dự thảo cuối cùng cũng hoàn thành vào năm 1996 - 1997. Hội nghị quốc gia thông qua bản dự thảo vào tháng 3.1997, và bản dự thảo cuối cùng bao gồm cả các sửa đổi được đề xuất bởi tổng thống được thông qua vào tháng 4.1997. Văn kiện này được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 5.1997 với 43% cử tri tham gia bỏ phiếu và hơn 50% những người tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ bản hiến pháp mới.