Bà đỡ

- Chủ Nhật, 28/04/2019, 11:29 - Chia sẻ
Những người trẻ xa đất nước vào thời bình nhớ nhà một, thì vào thời chiến - nhớ nhà mười. Nỗi nhớ cồn cào luôn kèm theo sự lo lắng khắc khoải khuôn nguôi...

Mỗi độ mưa phùn gió bấc, không hiểu sao tôi luôn nhớ tới bà. Dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tên thật của bà mình, vì dân làng toàn gọi là “bà cụ đỡ”.

Nghe nói bà tôi từng được Pháp cho học lớp đỡ đẻ cơ bản, cấp chứng chỉ và trở thành người đỡ đẻ (mà dân gian gọi là bà mụ, bà đỡ), cho cả một vùng quê. Và bà được nhận lương hẳn hoi. Chính vì thế, tuyệt đối không được nhận tiền của gia chủ, kể cả người giàu, mà chỉ được bồi dưỡng bữa ăn đêm để có sức đi bộ về, có khi lên tới cả chục km đường trong đêm tối. Về sau này, ngay cả khi đã có các trạm đỡ đẻ ở xã, huyện, người ta vẫn tới mời bà vì uy tín và kinh nghiệm. Nghe nói chỉ có ca sinh ba, bà mới phán chuyển lên bệnh viện tỉnh, còn đẻ ngang, đẻ ngược, rau quấn cổ..., bà chấp tất. Lúc này, vì đã già yếu không đủ sức đi xa, bà thường chỉ đỡ những ca quanh quẩn trong thôn.

Tuổi thơ của tôi không có cha mẹ ở bên và hình ảnh quen thuộc mỗi ngày là bầy cháu nội ngoại mồ côi bố hàng đêm ôm nhau ngủ trên mấy cái ổ rơm, nghe tiếng kẹt cửa là nhất loạt vùng dậy, tỉnh như sáo. Không phải vì gió rét ập vào, mà vì cái túi vải của bà, trong đó bao giờ cũng có xôi và mấy miếng thịt gà, đủ chia cho từng đứa. Nhờ vào những bữa đêm có thịt mà bà tôi nhường cho những đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn mà chúng tôi xem ra có da có thịt hơn so với đám trẻ con đói ăn triền miên quanh vùng.

Còn nhỏ nên tôi không hiểu được tầm quan trọng của bà mình, chỉ biết, ai đến nhà cũng dạ thưa khúm núm, còn bà thì luôn hỏi câu quen thuộc: Đau từ lúc nào, đau như thế nào. Rồi phán tiếp: Không việc gì phải cuống, một (hai, ba) ngày nữa mới đẻ, hoặc, đã đun nước chưa... Hình như chưa bao giờ bà phải chờ sản phụ quá lâu. Thỉnh thoảng bà cũng xâm phạm vào đời tư của một vài gia chủ, chẳng hạn: “Đẻ phát gớm, mới năm ngoái đẻ, năm nay đã lại!”. Tức là nhà ấy, bà đã đỡ đến thế hệ thứ hai. Chính vì vậy khắp thôn cùng ngõ hẻm đi tới đâu bà cũng gặp người quen. Người ta chào bà răm rắp, còn bà lúc thì: “Tiên sư anh, nói anh ngang ngược cũng phải, người ta ra bằng cái đầu, anh ra bằng chân”, hoặc “lên chức rồi hả, biết ngay, đầu to tai nhớn từ lúc mới đẻ...”. Tôi chạy lon ton bên cạnh bà không mấy hiểu ý nghĩa những câu nói, chỉ biết những người nghe ngỏn ngoẻn cười, gãi tai gãi gáy. 

Nhà sát ngay cạnh đường, chiều nào mấy bà cháu cũng ăn cơm ngoài sân, bên cạnh chum tương cho tiện múc. Bất cứ người nào đi qua bà cũng hỏi thăm, nào thì  “cái hĩm biết làm gì rồi”, “ông cả Thượng sau đận đẻ thằng cu đã đi lại được chưa”... Nhà cả đống cháu, có nồi cơm con con mà có bận bà xới một bát đầy chạy ra ngõ, dúi cho người hàng xóm. Xong bà phân trần: “Mỗi đứa bớt ăn đi một tí để người ta được một bữa cơm. Gái đẻ mà toàn ăn rau khoai lang luộc với bánh cám sống sao nổi, rồi đến chết cả mẹ lẫn con mất thôi...”. 

Nghe nói nhà ông ngoại tôi từng có của ăn của để, sau do ông mê cờ bạc đâm lụn bại, nếu không có một tay bà ngoại chắc tan nát từ lâu. Ông ngoại tôi chết sớm, song cũng kịp để lại cho bà tôi một di sản năm con. Còn trẻ, lại có nhan sắc, bà tôi được nhiều người có máu mặt trong vùng hỏi làm vợ lẽ. Nhưng bà từ chối tất, không hẳn vì chung tình với ông chồng cờ bạc, mà hẳn vì đàn con nheo nhóc. Nhà nào chứa nổi năm cái tầu há miệng, mà cho đi thì không đành. Rồi thời thế biến động, bà tôi lại lần lượt thay các con, nuôi tới 6 đứa cháu. Trước, bà “nuôi đủ năm con với một chồng”, tức sáu miệng ăn. Giờ, cũng ngần ấy miệng.

 Hòa bình lập lại, người Pháp ra đi, bà tôi mất lương, sống nhờ vào lòng hảo tâm của các gia chủ có người đẻ. Đối với những người có bát ăn bát để (số này ít lắm), công đỡ đẻ thường chỉ vài đấu gạo. Còn những người nghèo, bà tôi làm phúc, nhưng đêm đêm, thỉnh thoảng vẫn mang về cho các cháu nắm xôi, miếng thịt. Nuôi ngần ấy đứa cháu cơ cực là vậy, thế nhưng bà tôi vẫn nhất quyết không chịu trả một đứa nào cho nhà nội chúng. Ngoài chuyện thương cháu, nhất lại toàn cháu mồ côi và luôn lo sợ chúng sẽ phải “liếm lá ngoài đường” một khi rời khỏi tay mình, còn một ẩn ý sâu xa khiến bà giữ chúng tôi như gà mẹ giữ con. Chỉ bây giờ, sau khi từng trải cuộc đời, tôi mới lờ mờ đoán được cái ẩn ý ấy.

Bà mất chồng từ sớm, ở vậy nuôi một đống con. Đến lượt các con trai, con rể của bà cũng lại ra đi rất sớm, để lại những người vợ góa đang độ thanh xuân. Bà đã cam chịu cảnh đơn chiếc đằng đẵng, nên nhất định không để con gái, con dâu chịu cảnh của mình. Bà tạo mọi điều kiện cho họ bay nhảy, đặng kiếm được những người chồng mới tử tế, xứng đáng. Việc giữ lại các cháu phần nào để mẹ chúng khỏi bị ràng buộc quá chặt vào nhà chồng, không dứt ra được (mà có dứt ra được thì cũng mất con). Không phải các gia đình bên nội kia không đấu tranh giành quyền lợi, nhưng thường họ bị thua, cũng chả phải vì lí lẽ của bà, mà chủ yếu vì ở bà có một thứ quyền lực riêng - bà cụ đỡ, khiến họ nể nang mà không làm tới.

 Trong cuộc chiến tranh giành cháu, nhà nội tôi chiếm ưu thế hơn cả. Thứ nhất, tôi là trưởng nữ bên ấy; thứ nữa, nhà nội thuộc “hàng tỉnh” (là nói thế cho oai, trên thực tế chỉ là một thị xã nghèo), cách xa nhà bà ngoại hơn chục cây số, không phải chịu thứ “quyền lực ngầm” của bà. Thế nên, sau nhiều trận chiến cam go, cả hai bên đình chiến, chuyển sang ngoại giao con thoi, theo một thỏa thuận bất thành văn: bên nào có điều kiện thì đón cháu về dăm bữa nửa tháng.

 Trên đường từ nhà nội về nhà ngoại là những cuộc dạo chơi kỳ thú. Thường bà ngoại, đầu đội thúng, tay dắt tôi thong thả đi trên đê. Có lúc tôi bứt ra, chạy vượt lên phía trước khá xa, rồi ngồi phệt xuống dệ cỏ ngắm dòng sông có màu nước giống màu yếm của bà, đang lững thững trôi chẳng biết là về đâu. Có cảm giác trời có long đất có lở thì dòng sông ấy vẫn cứ bình thản như vậy. Một cái vó to tướng đang từ từ kéo lên, vài con cá bụng trắng hếu cuống cuồng giãy, trước khi chui tọt xuống cái hom phía dưới. Bên kia sông, một màu xanh ngút ngát của lúa mới làm đòng chạy tít mãi về phía chân trời, nơi tôi nghĩ một hai sẽ tới. Phía xa, một cây thị cổ thụ đứng một mình, cau có như muốn nói, già thế mà vẫn phải cáng đáng cái đống quả chi chít này. Dưới gốc, thị rụng vàng ối không ai nhặt, vì nghe đồn cây thị có ma. Cả một vùng trời đất nồng nàn hương thị. Hình như để nó bớt cô đơn, người ta trồng gần đó một cây gạo. Hai cây chắc cùng tuổi, vì cao bằng nhau, già bằng nhau và cùng sần sùi, sứt sẹo như nhau. Bông gạo đỏ chót một vùng, những bông hoa mập mạp tựa những bàn tay xòe ngón giơ cao, như thể cố bứt lên phía trời xanh mà không được.

 Thi thoảng tôi được di chuyển bằng phương tiện yêu thích, ngồi trong cái thúng trên đôi quang gánh của bà. Trên đường bà cháu chuyện trò rôm rả. Bà thường hỏi tôi có được ăn no không, ăn những thức gì, các em có bắt nạt không, có bị ông bà mắng không... Tôi trả lời cặn kẽ, không quên giữ lại một vài điểm ưu việt của bên nội, vì cảm nhận được trong giọng của bà thoáng chút tủi thân. Khi đi gần tới quán nước cây đa bên đường, tôi liến thoắng kể hôm trước có giỗ tôi được ăn cơm với cả giò, với cả thịt, chỉ có thiếu mỗi... kẹo bột. Bà tôi bật cười, chửi yêu: “Bố cô, con nhà tông có khác, chỉ được cái dẻo miệng, nào thì nghỉ uống nước rồi tôi mua cho gói kẹo bột!”. Ngồi trong thúng, miệng nhấm từng tí, từng tí cái thứ kẹo ngọt lừ thơm mùi gừng, tôi thấy mình còn sướng hơn hoàng tử công chúa ở cái nước nào đó mà bà vẫn kể.

Bà tôi vẫn chuyện trò, giọng trầm hẳn xuống: “Con có được ông bà nội con là phúc đức lắm đấy. Sau này lớn lên, nhớ mà báo đáp cho ông bà!”. “Con cũng báo đáp cả cho bà ngoại nữa!” - Tôi nhanh nhẩu, không hiểu từ “báo đáp” là gì, song từ giọng nói ấm áp của bà, tôi cảm nhận được một điều gì đó thật đẹp đẽ và cần thiết. Nửa nằm nửa ngồi ngắm mãi bầu trời có những đám mây bắt chước dòng sông trôi lờ lững, những con chim bay nhanh thảng thốt, chẳng hiểu chúng nói với nhau chuyện gì mà vội thế, theo nhịp thúng đung đưa đều đều, tôi chìm vào giấc ngủ. Rồi bật dậy vì tiếng gọi rất to của bà: “Chúng mày đâu, xem ai về đây này!”. Cả bọn ùa tới la hét trước cái mặt ngái ngủ của tôi. Quãng đường ấy, những phút giây rộn rã tiếng cười ấy, đã khiến tuổi thơ của tôi đượm màu cổ tích.

* *
*

Bà tôi, tuy là một dạng điển hình “cá chuối đắm đuối vì… cháu”, nhưng khi bố mẹ chúng xin đón chúng đi, thì bà không giữ, không níu kéo. Tôi không được chứng kiến những cuộc ra đi của các anh chị mình, bởi tôi, tuy bé nhất, nhưng lại thoát li sớm nhất. Và cuộc thoát li ấy ấn tượng đến nỗi, hễ có dịp là nó lại hiện lên trong tâm trí tôi, nhất là vào những ngày mưa phùn gió bấc.

 Hôm ấy, sau bữa sáng, gia đình tôi có khách. Một khách đặc biệt vì không phải đi bộ vào, mà là đi xe đạp. Xe đạp ở nông thôn thủa ấy hệt như ô tô, thậm chí máy bay, thời nay. Nó hiếm đến nỗi, chỉ một lúc sau lũ trẻ trong làng đã xúm đen xúm đỏ ở ngoài cổng chỉ trỏ, bàn tán về chiếc xe đạp dựng dưới mái hiên, mặc mưa phùn đã chuyển sang nặng hạt. Còn tôi, khỏi nói, đứng cạnh cái xe, nhìn chúng, mặt vác ngược (ra cái điều đã có đứa nào vừa được mặc quần áo mới, lại vừa có xe đạp chưa). Sau khi bọn trẻ bị người lớn gọi về, tôi hết cơn vênh vang, bắt đầu sờ nắn khám phá chiếc xe. Mãi rồi cũng chán, tôi bắt đầu để ý tới ông khách đang nói chuyện với bà ngoại. Đó là một người đàn ông tầm thước, gầy gầy, da trắng, từ mặt mũi, dáng vẻ đến ăn mặc khác hẳn những người đàn ông trong làng. Ông nhìn tôi, chỉ cười. Lát sau bà ngoại gọi tôi, kéo vào lòng, bảo: “Bố về đón Tý lên tỉnh đấy!”. Tôi tròn mắt, nhưng không ngạc nhiên, vì trong truyện cổ tích bà hay kể, người chết có thể sống lại, có thể biến thành chim vàng anh, có thể chui vào quả thị, bình thường mà! Chỉ không bình thường so với những hình dung của tôi về bố. Tôi luôn nghĩ bố phải đen như tôi, nghịch ngợm và ồn ã giống tôi. Ông bố này - đã trắng, lại hiền khô. Nhưng chợt hiểu là phải xa bà, có khi mãi mãi, tôi đứng phắt dậy, hét lên: “Không đi! Không đi!”, và chạy vụt xuống bếp.

Bà tôi chạy theo, nước mắt lưng tròng, ôm lấy tôi, thủ thỉ, rằng bố về đón Tý lên ở cùng mẹ, rằng trên tỉnh có nhà đẹp, quần áo đẹp, nhiều thức ăn ngon, Tý sẽ thích lắm. Tôi vẫn hét lên dứt khoát: Không đi! Bà vẫn dịu dàng: Tý lại còn được tập  xe đạp nữa. Khi nào thạo, Tý đi xe đạp về thăm bà thường xuyên nhé! Ô, cái này hấp dẫn đây: Đi xe về làng trước những cặp mắt trợn tròn của bọn trẻ con. Mà mình sẽ mặc bộ quần áo hồng, đeo nơ hồng, đi guốc hẳn hoi nhé, lại bấm chuông inh ỏi nhé, có mà rồng rắn theo sau...

Tình hình đã êm, bà lấy khăn lau mặt cho tôi, lau cả nước mắt cho mình, dắt tay tôi lên nhà giới thiệu lại với bố. Tới giờ khởi hành, bố khoác áo mưa, dắt xe đạp ra sân. Bà ngoại khoác cho tôi tấm vải mưa lấy từ trong rương dài tới gót, đội lên đầu tôi chiếc mũ cát bẹp. Bà bế tôi lên xe. Khi xe vừa ra tới giữa sân, không hiểu nghĩ thế nào, tôi tụt nhanh xuống đất, vừa chạy, vừa gào: “Ở nhà với bà cơ!”. Cứ thế tôi chạy vòng quanh sân, bà đuổi theo tôi, còn bố thì loay hoay đứng giữa sân với chiếc xe đạp. Tình cảnh không khác gì chiếc đồng hồ mà bố là trục giữa, còn kim phút, kim giây đuổi mãi không bắt được nhau. Khó khăn lắm, bà ngoại mới lại dỗ được tôi lên xe. Tóc bà sổ tung, mặt đẫm nước, không hiểu nước mưa hay nước mắt. Bà tiễn tôi lên tận đường cái con, bố dắt xe đi bên. Bà nắm tay tôi dặn dò đủ thứ, rồi giục: Thôi hai bố con đi đi, muộn rồi. Nghe tới đấy, tôi lại định tụt xuống đất, nhưng rất nhanh, bố đã lên xe, đạp vội. Tôi ngoái lại. Bà tôi vẫn đứng trên đường, đầu trần, áo tơi, gương mặt nhạt nhòa giữa trời mưa đục.

 Con đường lên tỉnh hôm ấy không còn lấp lánh sắc màu cổ tích như những ngày nắng đẹp tôi cùng bà ngoại từ bên nội trở về. Cây thị ủ ê xõa tóc, bế đàn con xanh rớt, ướt sượt. Cây gạo giơ những cánh tay sần sùi, gớm ghiếc lầu bầu than thở về cảnh già cô đơn. Không còn những con cá lấp lánh bạc trong cái vó treo. Còn dòng sông thì vẫn trôi bình thản. Giá nó hiểu được lòng tôi lúc này, hẳn đã phải sôi sục, cuộn réo. Nhìn cảnh vật buồn chán, hai mắt tôi díu lại. Không nghe thấy tiếng khóc ti tỉ nữa, bố tôi dừng xe, rút từ trong cái túi rết khoác bên mình chiếc ruột tượng mà bà ngoại kịp nhét vào đó. Ông luồn chiếc ruột tượng qua người tôi, buộc chặt vào người mình, rồi tiếp tục đạp xe trên con đường lầy lội. Tôi áp mặt vào lưng bố, hơi ấm truyền sang khiến giấc ngủ chập chờn những giấc mơ đẹp. Bà tôi tươi cười dắt xe đạp, anh Hiền tôi khoe những viên bi trong vắt như mắt con mướp tôi vẫn bế hàng ngày, các chị tôi đang cưng nựng đám búp bê và xưng mẹ với chúng… Chiếc ruột tượng của bà ngoại đã buộc chặt tôi vào bố, người đàn ông mới gặp lần đầu bà đã tin tưởng. Sau này nhờ ông, tôi đã nên người.

* *
*

Mười năm sau. Trong khoảng thời gian ấy các anh chị tôi lần lượt rời khỏi nhà bà ngoại, người lên Hà Nội học, người chuyển đi với bố mẹ. Cũng năm đó chiến tranh chống Mỹ leo thang ác liệt, gia đình tôi phải sơ tán mỗi người một ngả. Tôi với mẹ và hai em ở một làng cách thành phố khoảng mười lăm cây số. Mẹ tôi đi làm cả ngày. Tôi đi học. Hai em phải thuê bà chủ nhà nơi sơ tán trông giúp. Trường học sơ tán ở làng bên, cách nhà một con sông nhỏ. Vì ngại phải đi bộ tít lên đường cái rồi mới lại lộn xuống cũng ngần ấy đường để đến trường, mùa hè tôi thường bơi qua sông; mùa đông nước cạn - lội qua. Nhiều hôm trời rét căm căm, sang được tới bờ bên kia hai chân tôi tê dại, tới mức qua bãi tha ma, sợ phát khiếp mà không chạy nổi.

Đầu làng tôi sơ tán, gần đường cái, có một ụ pháo phòng không. Học sinh cuối cấp trường tôi tham gia đắp cái ụ pháo ấy. Đắp ban đêm. Chúng tôi vừa làm vừa hát, không khí y ngày hội. Mệt, nhưng vui. Nhưng cũng chính vì ụ pháo ở đó mà chỗ sơ tán không còn yên ổn nữa. Một hôm, tôi đang cho hai em ăn cơm trưa, bỗng có tiếng máy bay xẹt qua mái nhà, pháo ở ụ nổ rầm trời. Tôi bế đứa nhỏ, dắt đứa nhỡ ra sân tính vào hầm trú ở ngoài vườn thì tạch tạch tạch, một loạt súng từ trời dội xuống, cày một vệt dài trên sân, cách chị em tôi vài bước. Tôi kéo tay em lao vội xuống hầm, mặt cắt không còn hột máu. Con bé con gần một tuổi khóc ngằn ngặt, con nhỡ - năm tuổi cười khanh khách, tưởng đang chơi trò trốn tìm. Sau khi máy bay bay khỏi, pháo không nổ nữa, bà chủ nhà mặt tái mét, hớt hải chạy từ đâu về, cuống quýt: Tưởng chúng bay chết hết rồi, thôi thôi cháu đưa các em đi đi, càng xa càng tốt, ở đây không được nữa rồi, nó mà quay lại thì chết cả nút.

Tôi chưa hết run, cố tìm lối thoát trong cái đầu đã trở nên mụ mị. Biết đi đâu bây giờ, một cô gái 16 tuổi với hai đứa em lít nhít? Bỗng một tia chớp lóe sáng: Về bà ngoại! Tôi chỉ kịp viết mấy dòng để lại cho mẹ, vơ vội ít áo xống của hai em, cho tuốt tuột những gì ba chị em còn chưa kịp ăn vào hai ngăn của cái gamen nhôm cũ kĩ, buộc vào ghi đông xe. Bà chủ nhà giúp tôi chằng cái ghế mây lên khung xe đằng trước, đứa nhỏ ngồi ghế, đứa lớn ngồi sau. Tôi dắt xe ra đường, leo lên một ụ đất, đưa chân sang phía bên kia, ngồi lên yên và cứ thế phóng đi, nghĩ bụng khi nào xuống xe thì lại tìm một cái ụ đất khác. Thời chiến, những ụ như thế xung quanh hố cá nhân có mà đầy. Tôi phóng xe vùn vụt cố về tới nơi trước khi trời tối. Ngay từ lúc mới mười ba tuổi, tôi đã thực hiện lòng mong mỏi của bà ngoại, tập đi xe đạp và hè nào tôi cũng một mình phóng xe về thăm bà. Chuyến đi lần này lại còn kèm theo hai đứa em nhỏ, lại trên một chiếc xe đàn ông, lại dưới mưa bom bão đạn. Vâng, dưới mưa bom bão đạn, vì tới nửa đường, gần một cây cầu, nơi có mấy ụ pháo, một tốp máy bay không biết của ta hay địch cắn đuôi nhau lao vút qua. Tôi cắm đầu cắm cổ đạp. Nhoáng sau lại một đàn máy bay khác cùng những tiếng xẹt xẹt khủng khiếp nhất loạt vang lên. Và những tiếng thét thất thanh: Con bé kia, muốn chết hả, xuống xe, vào hầm ngay!

Đang không biết làm thế nào, định tính liều cho xe ngã xuống đường, thì một chàng trai khoác súng, không biết từ đâu hiện ra túm chặt ghi đông, gỡ mấy chị em ra khỏi xe, gắt gỏng: Điên à, muốn chết hả, bom đạn như thế mà vẫn cố đạp cho bằng được! Sẵn sợ, lại đang bực, tôi vặc lại chàng Lục Vân Tiên: “Nhưng mà không tìm được cái ụ nào!”. Chẳng hiểu nếp tẻ, mà cũng chẳng có thời gian để hiểu, anh ta, tay ôm đứa bé, tay lôi đứa lớn, lao vào chiếc hầm nửa nổi nửa chìm gần nhất. Tôi chỉ kịp vơ cái ga men đựng đồ ăn, lao theo anh ta. Chỉ vừa kịp chui xuống hầm, một tiếng nổ inh tai ngay mé bên, hầm rung bần bật, đất đá rào rào phía trên. Tôi nghĩ phen này chắc chết. Ôm chặt hai em vào lòng, tôi cố che cho chúng. Bình yên trở lại. Tôi giở gamen, đút cháo cho đứa bé giờ đã thôi khóc, bón cơm cho đứa lớn giờ không còn cười.

Trời tối mịt, chúng tôi mới về đến nhà bà ngoại. Vừa dắt xe vào cổng, tôi òa khóc, cả hai đứa em khóc theo. Bà ngoại hớt hơ hớt hải chạy ra, thấy chúng tôi mặt mũi, đầu tóc lấm lem, cũng òa khóc. Nghe thấy tiếng bà ngoại khóc, ở trong nhà nhất loạt vang lên những tiếng khóc như ri, đủ bè. Cả một tiểu đội trẻ con lít nhít đứa bò, đứa chạy, đứa ngồi cạnh mâm cơm lỏng chỏng bát đĩa. Hóa ra đám anh chị nhí của tôi, con bác tôi, đã về từ trước. Bà tôi bắt đầu nuôi đến thế hệ cháu thứ hai. Dẫu đàn cháu này không/chưa phải mồ côi, nhưng nuôi vất vả hơn, vì chúng đông hơn, bé hơn và bất cứ lúc nào cái chết từ trời cũng có thể tìm đến. Mà bà thì đã già.

Gần nửa đêm, mẹ tôi cũng về đến nhà bà ngoại. Vừa nhìn thấy chúng tôi, mẹ khóc òa, lao tới ôm hai em tôi. Vừa khóc mẹ vừa kể, nghe tin máy bay ném bom chỗ chúng tôi sơ tán, mẹ bổ về. Tới nơi, nhà chỉ còn một đống đổ nát. Bới tìm mãi không thấy xác người, lại không thấy cái xe của bố, mẹ đoán tôi chở hai em về bà ngoại (thì còn đi đâu được nữa). Thế là mẹ tức tốc phóng xe đuổi theo.

 Đêm ấy, sau khi dọn dẹp, sửa soạn xong xuôi cho đám trẻ, bà ngoại và mẹ xuống bếp chuẩn bị đồ ăn và rầm rì nói chuyện. Sáng sớm hôm sau, tiếng cuốc lục cục đầu nhà đánh thức tôi. Ngoài vườn, bà và mẹ đang đào hầm. Nhiều năm về trước, cũng chỗ này, bà ngoại một mình ngồi lấp hố bom, khóc con trai chết trận. Bây giờ bà cùng con gái đào đất làm hầm trú máy bay. Được hai người đàn ông trong họ tới giúp, đến chiều hầm làm xong, khá sâu và kiên cố, có cả bậc lên xuống. Mẹ tôi giỡ đồ tiếp tế, xếp gọn xuống dưới hầm. Đám trẻ tụt xuống, leo lên, nô đùa inh ỏi. Thì nhà mới mà lại, mà là ngôi nhà thật đặc biệt, không mái, không tường, chìm sâu dưới lòng đất.

Chiều muộn, tôi và mẹ lên đường. Tôi không thể ở lại, vì tuần sau đã phải tập trung lên đường đi học xa. Bà ngoại tiễn hai mẹ con tới cổng. Ngồi đằng sau xe của mẹ, tôi ngoái lại nhìn bà. Một đám cháu đánh đu trên người trông bà giống cây đu đủ sai quả. Không hiểu sao tôi có linh cảm đây là lần gặp bà cuối cùng. Tim tôi chợt buốt nhói, như thể có vật gì đó sắc nhọn chạm vào. Hai mẹ con vẫn đi theo đường cũ để về nơi sơ tán. Máy bay đã đánh sập cầu, nhưng vẫn còn cầu phao. Từ cầu phao nhìn về phía những ụ pháo, tôi chỉ thấy những hố bom trông như những vết thương lở loét. Những người đi đường cho biết mấy ụ pháo hai bên cầu đều bị bom thổi bay, bộ đội, dân quân tự vệ, nghe nói, chết gần hết. Chợt nghĩ tới mấy chị dân quân và chàng trai Lục Vân Tiên, người đã cứu ba chị em, không hiểu còn sống hay đã chết, tim tôi, một lần nữa lại nhói lên như có vật nhọn đâm phải. Chiến tranh đã chạm vào tôi, cho dẫu mới chỉ bằng ngón tay út. 

Tôi lên đường, để lại bà ngoại, bố mẹ và các em, những người tôi muốn gánh đỡ cái gánh nặng thời chiến, mà không được. Những người trẻ xa đất nước vào thời bình nhớ nhà một, thì vào thời chiến - nhớ nhà mười. Nỗi nhớ cồn cào luôn kèm theo sự lo lắng khắc khoải khuôn nguôi.

 Sáu năm sau tôi về nước. Mùa xuân cùng năm, tôi về quê thăm bà ngoại giờ chỉ còn là một nấm đất phủ đầy những cúc dại, khúc tần. Dõi theo khói hương vẽ nẻo, tôi nhìn lên chốn cao xanh, nơi bà tôi đang chuyện trò với các con. Dưới chân họ, những đứa trẻ đang vui chơi, đùa nghịch. Nghe nói, ở cõi ấy, chúng không bao giờ lớn.

Truyện ngắn của Đào Tuấn Ảnh