Bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại Thành phố trực thuộc Trung ương

Áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 05:34 - Chia sẻ
Quy định về hạn chế đăng ký thường trú tại Thành phố Hà Nội được đánh giá là không phát huy hiệu quả như mong muốn, vì hơn 6 năm thực hiện, Hà Nội vẫn không giảm được dân số cơ học. Tuy nhiên, nếu bỏ quy định này trong Luật Cư trú sẽ gây ra không ít hệ lụy về hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục. Nếu dân số gia tăng, quỹ đất có còn đủ để xây dựng các công trình công cộng hay không? Trả lời câu hỏi của các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật tại cuộc làm việc mới đây, Lãnh đạo quận Thanh Xuân, Hà Nội thừa nhận, tiền thì có nhưng đất không có để xây.

“Thóc ở đâu, bồ câu ở đó”

Có nên bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như đề xuất của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) hay không là câu hỏi lớn được các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đặt ra với lãnh đạo UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn Thủ đô sáng 17.7.

Một góc Thủ đô Hà Nội
Nguồn: ITN

Nhìn từ góc độ quản lý dân cư, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho rằng, “nên bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ thời hạn tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên và quy định về diện tích bình quân. Thực hiện quy định về đăng ký thường trú vào địa bàn Hà Nội được áp dụng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Vì thực tế, hơn 6 năm thực hiện quy định này, số lượng người dân di cư vào thành phố không giảm được do không đủ điều kiện đăng ký thường trú nhưng công dân vẫn phải sinh sống, làm việc và học tập tại Hà Nội”.

Từ thực tế này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, các rào cản người dân di cư đến các đô thị là không khả thi. Dù có quy định điều kiện thường trú chặt chẽ đến đâu thì thực tế vẫn “thóc ở đâu, bồ câu ở đó”. Tuy nhiên, lo ngại của các thành viên Ủy ban Pháp luật là những hệ lụy kéo theo khi bỏ điều kiện đăng ký thường trú, bởi nếu không chuẩn bị kỹ, việc bỏ quy định riêng về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ làm gia tăng dân số cơ học, gây áp lực cho hệ thống y tế, giáo dục.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đặt vấn đề: 12 quận, huyện nội thành Hà Nội sẽ có giải pháp quy hoạch hạ tầng, diện tích đất như thế nào, khi mà mọi quy hoạch đều căn cứ trên quy mô dân số? Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật đã làm việc với UBND quận Thanh Xuân, lãnh đạo quận này thừa nhận: Tiền thì có, nhưng không có đất để xây. Với 11 quận, huyện còn lại có đủ quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện hay không? 

Dự kiến nếu bỏ điều kiện đăng ký thường trú, TP Hà Nội sẽ tăng khoảng 25 nghìn hộ với khoảng 100 nghìn nhân khẩu, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Hiển cho rằng, vẫn cần đánh giá tác động sâu hơn nữa. Chúng ta dùng giải pháp kỹ thuật với điều kiện tạm trú 3 năm, diện tích ở bình quân là 15m2 để hạn chế đăng ký thường trú mà dân số vẫn tăng thì số lượng đăng ký thường trú nếu bỏ hai điều kiện này chắc chắn sẽ vượt hơn số dự kiến. Do vậy, phải có thêm giải pháp đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.

Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính
Nguồn: Zing.vn

Tính thêm nguồn lực, cơ chế thực hiện

Báo cáo tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng nêu ra 4 giải pháp như tập trung công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án của thành phố, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, tiến độ. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích đối với nhân dân về các quy trình, thủ tục, chính sách, luật pháp của nhà nước. Tăng cường công tác quản lý đô thị, chú trọng các biện pháp bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông. Thực hiện các giải pháp phù hợp, mô hình mới tạo sự đột phá để nâng cao năng lực quản lý trật tự đô thị, quản lý nhà chung cư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội… Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, các giải pháp này còn chung chung và truyền thống. Một số giải pháp có thể làm ngay, nhưng phụ thuộc vào sự quyết liệt của chính quyền thành phố như: di dời trường đại học ra khỏi các nội thành, giải pháp này dân không ảnh hưởng, mà chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cán bộ, nhân viên của trường song lại có điều kiện mở rộng cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Hay việc đưa bộ, ngành ra khu vực ngoại thành, chúng ta nói mãi rồi, vì sao cứ xin trụ sở mới nhưng vẫn giữ lại trụ sở cũ?

Một vấn đề nữa là việc xây nhà cao tầng trong nội thành, đáng lẽ phải có giải pháp gắn với kinh tế thị trường, càng trung tâm nội đô thì dịch vụ phải càng cao. Nhưng quản lý đang không như vậy. Ví dụ, dịch vụ công được tính theo khu vực. Ở khu vực trung tâm thành phố giá dịch vụ điện nước, y tế, trường học phải cao hơn so với nơi khác. Chúng ta đừng tạo rào cản về mặt hành chính; khi điều tiết bằng giá cả dịch vụ, người dân sẽ tự có sự lựa chọn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển gợi mở.

Dù không đạt hiệu quả như mong muốn, nhưng có rào cản kỹ thuật còn hơn không. Nhấn mạnh điều này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai đề nghị vẫn giữ nguyên hai điều kiện về đăng ký thường trú tại Thành phố Hà Nội. Lý giải cho quan điểm này, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, dân số có hộ khẩu tại thành phố đã là 7,5 triệu người. Không chỉ pháp luật dân sự, mà pháp luật hành chính cũng đều căn cứ trên sổ hộ khẩu như đất đai, giải phóng mặt bằng (từ cơ chế chính sách, đền bù, cấp nhà tái định cư, cấp tiền cũng trên cơ sở sổ hộ khẩu). Quản lý an sinh xã hội: xác định hộ cận nghèo, hộ nghèo cũng dựa trên sổ hộ khẩu… Trong khi đó, dân số tăng quá đông, khiến thành phố khó đạt các quy định chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục. Minh chứng là không ít trường học của Hà Nội, mỗi lớp vẫn phải tiếp nhận 60 - 70 em học sinh thay vì quy định chuẩn 35 học sinh/1 lớp.

Thừa nhận di dân tự do đến các đô thị lớn là không thể tránh khỏi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu rõ, chúng ta đang chấp nhận thực tế khách quan, đối mặt và quản lý. Song thú thực, khi chính sách mở ra cũng phải có giải pháp, quan trọng nhất là bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Hay quá tải về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, nước sạch, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và mấy ngày nay là rác thải… Áp lực này sẽ rất nặng nề cho việc xây dựng một Thủ đô văn minh, lịch sự, đáng sống. Có lẽ vẫn cần phải tính thêm nguồn lực, cơ chế thực hiện, làm rõ bất lợi khi bỏ điều kiện đăng ký thường trú bởi không phải ngẫu nhiên Thủ đô lại có điều kiện riêng về đăng ký thường trú như vậy.

Anh Thảo