Áp lực đủ lớn hay không?

- Thứ Năm, 23/07/2020, 05:53 - Chia sẻ
Không còn là một khái niệm “thời thượng” - đầy mới mẻ nhưng cũng mơ hồ không kém - như vài năm trước, chuyển đổi số ở nước ta đang có những bước đi khá tích cực.

Ở cấp độ vĩ mô, phải kể đến Quyết định số 749QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng ký đầu tháng 6 vừa qua. Chương trình này đã xác lập nhiều mục tiêu rất cụ thể.

Trong đó, đến năm 2025: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc...

Nhiều mục tiêu được đánh giá là đầy tham vọng cũng được đặt ra trong Chương trình như, đến năm 2025 đưa Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh và nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Chúng ta cũng có nhiều lợi thế để thúc đẩy quá trình này. Dù vậy, có nhiều lý do để e ngại việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia sẽ khó về đích như mục tiêu đề ra.  

Đầu tiên là, nhận thức về chuyển đổi số. Mặc dù Quyết định số 749 đã xác định đây là yếu tố đóng vai trò quyết định, nhưng cần nói rõ hơn, thách thức lớn nhất không phải là thay đổi nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và người dân, mà chính là nhận thức của cán bộ, công chức, các cơ quan quản lý nhà nước. Khi các dịch vụ công, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được tiến hành online hoàn toàn thì cũng có nghĩa là “mảnh đất màu mỡ” để cán bộ nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp sẽ bị xóa sổ.

Liệu các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức có sẵn sàng từ bỏ những lợi ích đem lại từ việc gây khó dễ, “tham nhũng vặt” khi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và người dân hay khi “đẻ” ra các quy định “hành là chính” hay không? Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, trong khi Nhà nước tập trung toàn lực chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp thì theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, vẫn có những cơ quan, cán bộ cố tình nhũng nhiễu, ngay cả với dịch vụ công đã được công bố quy trình, thủ tục trên mạng thì doanh nghiệp vẫn phải đến tận nơi, nộp thêm giấy tờ này, phát sinh chi phí kia mới được giải quyết.

Hay câu chuyện vẫn còn nóng hổi về quản lý taxi công nghệ và taxi truyền thống với biết bao hệ lụy phức tạp từ sự loay hoay của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các bộ, ngành quản lý nhà nước không sẵn sàng chấp nhận các mô hình mới xuất hiện trong đời sống xã hội, trong nền kinh tế, để từ đó thay đổi tư duy quản lý cho phù hợp, thì làm sao có thể thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo?

Một lý do khác là nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số. Quyết định 749 mặc dù có hẳn một đề mục lớn về kinh phí thực hiện nhưng vẫn chỉ là những định hướng, ưu tiên chung chung như: Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số; ưu tiên kinh phí từ ngân sách nhà nước để phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số…

Thực tế cho thấy, ngay cả những lĩnh vực đã được quy định rõ trong luật phải chi ngân sách bao nhiêu phần trăm, lấy từ nguồn nào, thì nhiều bộ, ngành, địa phương cũng không bảo đảm được. Nếu bộ, ngành, địa phương không “ưu tiên” dành nguồn lực chi cho chuyển đổi số thì thế nào? Hay đến khi không đạt được mục tiêu sẽ lại “lôi” yếu tố nguồn lực không đủ ra để né trách nhiệm?

Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình để ban hành trong năm 2020. Rất nhanh, một số địa phương đã ban hành chương trình này như TP Hồ Chí Minh, Điện Biên. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai một loạt hoạt động để triển khai Chương trình và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Nhà nước đi trước sẽ là động lực lớn nhất để thúc đẩy doanh nghiệp và xã hội chuyển đổi theo. Những mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra có thể là đầy tham vọng nhưng cũng có thể trong tầm tay. Điều này phụ thuộc rất lớn vào áp lực để lãnh đạo, cán bộ các bộ, ngành, địa phương buộc phải thay đổi và tiên phong trong chuyển đổi số có đủ lớn hay không? Và nguồn lực, cơ chế phân bổ, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Chương trình cụ thể thế nào? 

Hải Lam