Ảo ảnh bốn mùa

- Chủ Nhật, 08/02/2015, 16:04 - Chia sẻ
Được xem là một trong những họa sĩ lập dị thời kỳ Phục hưng cực thịnh, Arcimboldo Giuseppe nổi tiếng với những bức chân dung tưởng tượng. Ảo ảnh được tạo ra từ sắp đặt các loài hoa, đồ vật của họa sĩ người Italy đã góp phần quan trọng dự báo những ý tưởng nghệ thuật đầy chất siêu thực từ thế kỷ XVI khi hội họa hiện thực vẫn thống soái.

Ngày nay, công chúng đã quen với những hình ảnh phi thực tế, hay được gợi lên một ảo ảnh nào đó trong các tác phẩm hiện đại, nhưng vào cuối thế kỷ XVI thì hoàn toàn khác. Dường như đi ngược hẳn thẩm mỹ đương thời đầy chất học thuật với những nghiên cứu về tỷ lệ vàng, không gian thấu thị để mô tả hiện thực thì Arcimboldo lại nhắm đến mô tả ảo giác gợi liên tưởng. Hoa, quả, chim, thú, thậm chí sách, lửa trong các tác phẩm của ông giống như dữ liệu tạo hình để từ đó sắp đặt chúng theo ý riêng. Không còn là những tĩnh vật đơn thuần, tất cả hoa cỏ đã quyện vào nhau làm thành chân dung con người trong dáng vẻ sống động nhất. Điều khiến cho ông bị xem là một nhân vật kỳ quặc nhưng lại làm nên vị trí riêng biệt của Arcimboldo Giuseppe trong giai đoạn chuyển tiếp từ nghệ thuật Phục hưng sang Baroque cuối thế kỷ XVI.


Mùa xuân, 1573, Bảo tàng Nghệ thuật Munich, Đức
Nổi tiếng nhất là loạt chân dung bốn mùa, cho thấy phẩm chất đáng kính nể của bậc thầy Arcimboldo đã vượt lên trên sự phản ánh thông thường để đem đến cho hội họa những ý tưởng mới lạ đầy tính triết lý. Các loài hoa cỏ, rau củ thường được ông chọn lọc đầy chủ ý với tinh tượng trưng cho mùa. Đồng thời, thông qua đó ông diễn tả được cả tâm trạng của các mùa trong năm. Mùa xuân là chân dung một chàng thanh niên đầy sức sống rạng rỡ với gương mặt được tạo ra bởi những bông hoa, trong khi mùa đông là một ông già khô cằn bởi các rễ cây và cành củi, mùa hè chói chang trong sắc màu rực nắng, còn mùa thu thoáng nét buồn. Mặc dù không khắc họa một nhân vật cụ thể, nhưng rõ ràng tạo cái nhìn ảo ảnh từ sắp đặt các loài hoa cỏ khiến cho tranh của Arcimboldo luôn cuốn mọi cái nhìn khám phá, để đến khi phát hiện ra, người xem như òa lên thích thú. Chất tố siêu thực thấm đẫm, mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật sau này thừa nhận Arcimboldo là họa sĩ khởi đầu, tiềm ẩn dự báo. Cho dù ông là kẻ đơn độc của thế kỷ XVI và trường phái Siêu thực bùng nổ sau đó những 4 thế kỷ.

Hoàng đế Rudolph II, 1591, sưu tập cá nhân ở Thụy Điển
Dẫu bị xem là lập dị nhưng vào thời bấy giờ người ta cũng không thể phủ nhận óc thẩm mỹ và bút pháp hiện thực đến siêu phàm trong mô tả từng chi tiết hình ảnh của Arcimboldo. Những lá rau, cánh hoa mỏng tang, mềm mại rừng rực sức sống trong mỗi phần của tranh. Chúng lại được hòa chung trong sắc thái đủ đầy của màu sắc, sáng tối để phô ra hình tượng. Những con vật được ghép hình cũng vậy, sống động và hiện thực đến độ người ta có thể cảm nhận được từng hơi thở nếu nhìn sâu vào từng chi tiết. Nhưng trên bình diện tổng thể chúng lại cùng góp phần làm nên hình ảnh mới. Thú vị hơn cả là Arcimboldo đã không bỏ qua các chuẩn tắc của nghệ thuật đương thời, khi Phục hưng đã đạt đến cực thịnh. Hầu như khi liên kết sắp đặt đồ vật, con vật hay hoa cỏ, ông luôn tính toán kỹ lưỡng đến độ dù là ghép hình nhưng tính cấu trúc, giải phẫu trong chân dung con người được tạo nên từ ảo ảnh đó vẫn rất rõ ràng. Gò má, mũi, hay râu cằm đều được lựa chọn các sắc hoa, lá hay kích thước từng vật thể để đạt đến sự tinh tế tuyệt vời. Độ lồi, lõm hay độ hút sâu đúng theo nguyên tắc thấu thị được quan tâm khiến nhân vật trở nên biểu cảm. Thậm chí ở một số bức, nếu đặt xuôi hình ảnh thì tranh chỉ là một tĩnh vật, nhưng lật ngược lại, nó tạo nên ảo giác về một chân dung, khiến cho các tác phẩm của Arcimboldo đem lại cảm hứng vô bờ cho người chiêm ngưỡng.

Thủ thư, 1566, sưu tập cá nhân ở Thụy Điển
Không ít tác phẩm của Arcimboldo, tuy vẫn chỉ là đồ vật, nhưng với những cách thức sắp đặt đặc biệt, người ta tìm thấy ở đó hàm ý chỉ trích sâu sắc xã hội đương thời. Như The Librarian (Thủ thư), chân dung được tạo nên bởi những cuốn sách, ngay sau khi được công bố, nhiều kẻ quyền lực trong xã hội bấy giờ đã phản đối kịch liệt, cho rằng bức tranh là sự lố bịch đối với vai trò là họa sĩ hoàng gia như Arcimboldo. Tuy nhiên, việc chế nhạo những kẻ giàu có chỉ thu thập sách về để sở hữu, trang hoàng cho học thức rỗng tuếch của mình mà không phải để đọc, đã cho thấy cốt cách đích thực của một họa sĩ không xu thời. 

Mùa đông, 1573, Bảo tàng Nghệ thuật Munich, Đức
Tác phẩm nổi tiếng trước khi Arcimboldo mất ở Milan là chân dung Rudolph II, nằm trong số ít chân dung ảo ảnh lấy cảm hứng từ một nhân vật thực. Nó đồng thời cũng là bức tranh mang niềm tri ân của ông đối với vị hoàng đế đương thời - một trong những mạnh thường quân, nhà bảo trợ nghệ thuật của Italy thời bấy giờ và trở thành điểm nhấn quan trọng ở nghệ thuật hội họa cuối thế kỷ XVI. Bức tranh, hơn thế nữa, còn cho thấy cá tính và sự cởi mở của vị hoàng đế khi cho phép Arcimboldo vẽ mình ẩn trong hình ảnh những hoa quả bình thường, hóa thân vào vị thần La Mã Vertemnus bảo vệ bốn mùa, để tạo nên một chân dung độc đáo chưa từng có trong lịch sử phong kiến châu Âu.

Là họa sĩ hoàng gia, công việc chính của Arcimboldo là trang hoàng các cung điện và vẽ tranh tôn giáo. Tất cả chân dung ảnh ảo này chỉ là những nghiên cứu làm theo sở thích riêng, nhưng trải qua nhiều thế kỷ, phần lớn tác phẩm chủ đề tôn giáo của ông chìm vào quên lãng, trong khi những tranh chân dung con người tạo ra từ các loại rau, cây, trái cây, sinh vật biển và rễ cây lại càng được ngưỡng mộ. Chúng thắp sáng cho những ý tưởng và làm nên giá trị vượt thời gian, để đến thế kỷ XX, họa sĩ Siêu thực Dali đã phải thốt lên rằng: “dẫu có thế nào chăng nữa cũng khó có thể vượt qua những bậc thầy cổ điển”.

Trang Thanh Hiền