Hút thuốc lá thụ động

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ

- Thứ Ba, 13/08/2019, 07:58 - Chia sẻ
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Khói thuốc lá không chỉ tàn phá cơ thể người hút, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho tất cả mọi người, đặc biệt là với trẻ em. Ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em trên toàn cầu chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc lá thụ động.

165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng dẫn chứng, 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Việt Nam, số liệu thống kê tại các bệnh viện ung bướu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.


Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá
Nguồn: ITN

Dù không hút thuốc lá, nhưng trẻ em đang là đối tượng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc nhiều nhất từ những người xung quanh. Theo Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra. Số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên ở nước ta gần đây cũng cho thấy, có tới 47,7% trẻ em từ 13 - 15 tuổi phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại nhà và 70,4% ở nơi công cộng và ở các khu vực ngoài trời. Ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, các em chưa có ý thức tự bảo vệ mình nên dễ bị tổn thương do khói thuốc gây ra.

Theo Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Lương Ngọc Khuê, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Trong môi trường khép kín hay tại các khu vực riêng ở trong nhà, khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn. Vì vậy, với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 là chất gây ung thư, trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi và có thể gây đột tử. Ngoài ra, trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Đồng thời trẻ có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

Nâng cao nhận thức

Việc hút thuốc gây ra nhiều tác hại, không chỉ với người hút mà còn với những người xung quanh, nhất là trẻ em. Theo khuyến cáo của WHO, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc lá đối với những người không hút thuốc lá là xây dựng các mô hình không thuốc lá như mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… không khói thuốc. Đây là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Tại Việt Nam, để ngăn chặn, phòng ngừa hút thuốc thụ động ở trẻ em, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 1.5.2012 và có hiệu lực từ ngày 1.5.2013 quy định những nhóm giải pháp hiệu quả nhằm giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá như truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá; thực thi môi trường không khói thuốc; cấm quảng cáo khuyến mại tài trợ, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, chính sách thuế và giá…

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng cho biết, để giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc thụ động, trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng và nhân rộng các mô hình không khói thuốc. Tuy nhiên, để các quy định phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Lương Ngọc Khuê cho rằng, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và nghiêm chỉnh chấp hành quy định không hút thuốc lá ở những địa điểm cấm; không hút thuốc lá nơi công cộng, nơi có trẻ em. Cùng với đó tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm những người cố tình vi phạm.

Vân Phi