Âm nhạc và sức mạnh kết nối

- Thứ Hai, 25/05/2020, 08:07 - Chia sẻ
Sáng 24.5, Diễn đàn Thanh niên UN75 (UN75 Youth Forum) được Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức trực tuyến, thu hút nhiều bạn trẻ đang có hoạt động tiêu biểu trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tăng cường bình đẳng xã hội... tham gia thảo luận. Đáng chú ý, âm nhạc trở thành một phần quan trọng để truyền tải thông điệp của diễn đàn, đồng thời kết nối công chúng cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp.

“Diễn đàn thanh niên UN75 là sự kiện do chính thanh niên thiết kế dành cho thanh niên Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ tham gia đối thoại toàn cầu để nói lên những mong ước, nguyện vọng của mình”.

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Kamal Malhotra

Sức mạnh của âm nhạc

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc. Mặc dù những ngày này Liên Hợp Quốc đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có là đại dịch Covid-19, song điều quan trọng hơn bao giờ hết vẫn là cả thế giới phải đoàn kết lại để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Trong đó, thanh niên, tương lai của mỗi quốc gia và toàn cầu, là nơi Liên Hợp Quốc trao đặt niềm tin và kết nối, lắng nghe ý kiến của các nhóm khác nhau, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong tương lai.

Với mục tiêu đó, Diễn đàn Thanh niên UN75 đã được tổ chức trực tuyến từ tòa nhà Liên Hợp Quốc tại Hà Nội và điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh, nhằm thu hút sự quan tâm của thanh niên trên khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, với 4 phiên thảo luận liên tiếp, diễn đàn thu hút hàng trăm lượt xem, nhận được sự hưởng ứng với các câu hỏi thảo luận, ý kiến, khích lệ, like và share của khán giả. Đan xen các phiên thảo luận: Biến đổi khí hậu và môi trường, Xã hội bình đẳng qua con mắt của giới trẻ, Định hình tương lai của chúng ta...; các tác phẩm âm nhạc cũng góp mặt, nhằm thể hiện sức mạnh kết nối công chúng, truyền đi những thông điệp tốt đẹp. Không chỉ âm nhạc, thử thách nhảy UN75 cũng diễn ra trên trang Facebook của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nhằm lan tỏa 15 nhịp nhảy tương đương với các giá trị mà diễn đàn muốn chia sẻ, như: Bao dung, Hòa nhập, Phát triển, Đam mê, Yêu thương, Được lắng nghe…

Phiên thảo luận “Sức mạnh của âm nhạc” với sự tham gia của các nghệ sĩ Lil’kAnI, Quốc Trung và Hoàng Thái Vũ, khẳng định vai trò quan trọng của loại hình nghệ thuật này trong kết nối cộng đồng. Theo nghệ sĩ Lil’kAnI - nhân vật đồng hành với UNESCO trong chiến dịch Nghệ thuật kiên cường (ResiliArt), xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử nhân loại, tới nay, âm nhạc vẫn là một phần không thể thiếu của cuộc sống, khi ngày càng có nhiều người chọn âm nhạc để giải trí, thể hiện cảm xúc, kết nối với xã hội.

Trong những tình thế khó khăn, như trước khi ra trận, khi đối mặt với dịch bệnh, âm nhạc, lời ca vẫn luôn được cất lên, “tiếp lửa” tinh thần cho mọi người. Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: Trong giai đoạn vừa qua, khi thực hiện giãn cách xã hội, dù ở nhà, nghệ sĩ vẫn luôn kết nối với nhau, kết nối với khán giả ở khắp nơi trên thế giới, giúp mọi người đoàn kết hướng tới mục tiêu chung. Có lẽ, không thiếu bằng chứng cho thấy sức mạnh của âm nhạc, và những người, dân tộc yêu âm nhạc, ca hát, thường là người, dân tộc sống nhân văn, có ý chí và mạnh mẽ…


Các nghệ sĩ thảo luận về sức mạnh kết nối của âm nhạc 
Ảnh: Thảo Nguyên

Kết nối và lan tỏa

Cuộc sống của giới trẻ thường gắn bó mật thiết với âm nhạc. Bởi vậy, đây là phương tiện hữu hiệu tập hợp, thu hút thanh niên quan tâm tới các vấn đề chung; đồng thời có thể đưa tiếng nói những người chủ tương lai của đất nước đến gần hơn với xã hội, xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Vì thế, vai trò của âm nhạc được Diễn đàn Thanh niên UN75 đánh giá cao, khuyến khích thanh niên sử dụng phương tiện này để thể hiện tiếng nói của mình. Nghệ sĩ Lil’kAnI cho rằng, nền tảng âm nhạc ngày nay đã rất phát triển, và giới trẻ muốn thể hiện tâm tư, tình cảm qua tác phẩm âm nhạc. Những năm gần đây, nghệ sĩ trẻ ở nhiều dòng nhạc, trong đó có dòng underground (gồm các thể loại âm nhạc không chính thống, có sự khác biệt với âm nhạc đại chúng) đã tìm cách kết nối, đến với công chúng nhiều hơn.

Đồng tình với ý kiến trên và từ chính kinh nghiệm phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình, theo ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Thái Vũ, hiện nay, các phần mềm sáng tác, thu âm, sản xuất vô cùng phổ biến, có thể giúp mọi người dễ dàng thể hiện mình bằng cách viết nhạc và biểu diễn, đưa tác phẩm đến công chúng. Không chỉ rào cản kỹ thuật đã được xóa nhòa trong thời đại công nghệ 4.0, mà những gò bó, khuôn khổ trong cách thể hiện âm nhạc cũng dần mất đi, các dòng nhạc mới dễ dàng được chấp nhận hơn. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, khoảng 10 - 20 năm trước có những quy chuẩn về cách thể hiện âm nhạc, nhưng ngày nay mọi người đã thay đổi thói quen, chấp nhận phong cách biểu đạt mới của nghệ sĩ trẻ. Nhu cầu biểu đạt của nghệ sĩ trẻ cũng đã cởi mở hơn, không theo khuôn khổ, tạo ra nhiều dòng nhạc mới. Điều đó cho phép mọi người có thể tham gia vào đời sống âm nhạc theo nhiều cách thức khác nhau.

Tuy cơ hội tham gia vào đời sống âm nhạc rộng mở với bất kỳ ai, nhưng để có các tác phẩm âm nhạc chất lượng, khác biệt, độc đáo, và chinh phục đông đảo khán giả ngày nay là điều không dễ dàng. Một số sân chơi âm nhạc như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) ở Hà Nội không phân biệt nghệ sĩ chuyên hay không chuyên. Tại liên hoan còn có sân khấu dành cho khán giả chơi nhạc cùng nghệ sĩ, mang lại cảm hứng, tự tin cho các bạn trẻ theo đuổi đam mê. Dù vậy, theo nhạc sĩ Quốc Trung, để đến được thành công, có thể sử dụng được ngôn ngữ biểu đạt kỳ diệu này, thì chỉ đam mê hay năng khiếu thôi chưa đủ, sự lao động chăm chỉ cũng như cố gắng, nỗ lực là điều không thể thiếu.

Ngọc Phương