Ấm lòng với quán bún bò giá 1000đ

- Thứ Hai, 07/03/2016, 11:03 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Có mặt tại quán bún bò Huế mang tên O Chanh, cảm giác đầu tiên chúng tôi ghi nhận được đó là sự ấm áp, không khí tấp nập nhưng rất trật tự, nhất là sự hồ hởi của cả chủ hàng và những người khách đặc biệt đến ăn bún. Điều đáng nói là giá bún ở đây rẻ "không tưởng" - khách hàng chỉ phải trả 1000đ cho mỗi bát bún họ ăn.

Mong được sẻ chia nhiều hơn
Giữa thủ đô náo nhiệt, xen lẫn trong dòng người hối hả, tất bật những bộn bề lo toan, thì tại quán bún bò Huế ở đường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội, vào mỗi sáng thứ 6 đầu tiên của tháng đều dành bán 150 suất bún bò với giá 1.000 đồng cho những người lao động nghèo, có thu nhập thấp, đó là những người bán hàng rong, những chị đồng nát, ve chai, thợ xây, thợ nề, bác đánh giày hay những em nhỏ bán vé số…

Quán bún bò đặc biệt giữa Thủ đô

 Ảnh: Bảo Văn

Gặp gỡ chủ quán bún bò Huế O Chanh, bà Vũ Thị Kiều Oanh trong sáng thứ 6 đầu tiên của tháng 3, ở bà toát lên sự thân thiện, dù đang bận chuẩn bị những suất bún cho khách là những người lao động nghèo đến với quán. Bà Oanh cho hay, trước đây gia đình cũng thường xuyên làm từ thiện, khi đi tặng các suất cháo miễn phí tại bệnh viện, nhận ra là ở ngay bên ngoài thôi cũng có những người dân lao động cũng cần được quan tâm. Những người lao động như người bán ve chai, đồng nát, gánh hàng rong, hay những người lao công... hầu hết có cuộc sống rất khó khăn, nhiều người trong đó là lao động chính trong gia đình. Cũng chính bởi thu nhập thấp nên có rất nhiều người trong đó vào mỗi sáng phải nhịn đói để làm việc với mong muốn tiết kiệm thêm vào số tiền ít ỏi kiếm được hàng tháng, gửi về quê đỡ đần cho gia đình.
 
Mong muốn được chia sẻ nhiều hơn, nghĩ là làm, bà quyết định tổ chức ngày thứ 6 sẻ chia tại quán bún của mình, tại đây và ngày thứ 6 đầu tiên của tháng sẽ bán bún bò giá rẻ cho những người lao động nghèo. Bà cho biết, ban đầu ít người đến ăn lắm, vì họ sợ, sợ bị lừa, bởi sao có thể có giá 1.000 đồng. Nhưng dần dần cùng với việc mở đúng ngày, sự tình nguyện của một số tình nguyện viên hướng dẫn nhiệt tình, người lao động nghèo đến với quán nhiều hơn, thậm chí có hôm đến sớm chờ cửa hàng mở cửa. “Dự kiến bán 150 suất, nhưng những lúc khách đến đông, hết 150 suất thì cửa hàng sẵn sàng làm thêm 5, 10 suất nữa mà không để khách về trong thất vọng vì đến muộn” – bà Oanh nói.

Những người khách đặc biệt của quán

 Ảnh: Bảo Văn

Khi lòng tốt được lan tỏa
Vừa ăn bún tại cửa hàng, chị Nguyễn Thị Châu (36 tuổi quê Ninh Bình) làm nghề bán hàng rong chia sẻ, ở Hà Nội từ nhiều năm nay nhưng do thu nhập thấp, tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống và gửi về quê cho con ăn học nên chị chưa một lần dám vào quán ăn hay hàng nước. “Khi bán hàng rong qua khu vực này thấy quán bán bún bò giá 1.000 đồng, ban đầu tôi không tin, nhưng sau khi hỏi lại và được các anh, chị nhân viên khẳng định mới quyết định vào thưởng thức bát bún bò”.
 
Đối với những người lao động có thu nhập thấp, việc nhịn ăn sáng để tiết kiệm không hiếm thấy. Do đó mà khi được ăn tô bún ngon chỉ với 1.000 đồng trong khi giá bán bình thường là 35.000 đồng họ rất vui. “Niềm vui ở đây không chỉ ở vật chất mà còn là bữa ăn tinh thần” – chị Châu nói. Đây có lẽ không phải chỉ tâm trạng riêng của chị.

 Ảnh: Bảo Văn

Ngày thứ 6 sẻ chia đã được triển khai được 8 tháng, nhưng vẫn duy trì bán bún với giá 1.000 đồng mà không phải với mức giá khác, hay miễn phí. Về vấn đề này, bà Oanh cho hay, chúng tôi bán với giá 1.000 đồng/suất không phải vì lý do kinh tế. Bởi thực tế, 1.000 đồng rất khó để có thể mua được gì, nhưng tôi vẫn quyết định để giá 1.000 đồng là để đúng tính chất mong muốn sẻ chia bớt cực nhọc với những người lao động nghèo. Có lẽ bà Oanh muốn bán với giá như vậy để việc của bà là vẫn mang tính chất "mua - bán" với mục đích để những người nghèo thực sự thấy tự tin khi bước vào quán của bà. Suất bún này không khác gì những suất bún thông thường được bán tại cửa hàng giá 35 nghìn đồng. Dù chưa biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng bà Oanh cho biết, bà sẽ vẫn duy trì ngày thứ 6 đầu tiên của tháng để sẻ chia đến lúc còn có thể.
Bà Oanh cho biết, khi chương trình mới được triển khai, cũng có nhiều "lời ra tiếng vào" cho rằng việc bán hàng của gia đình bà là kỳ cục. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn quyết định triển khai chỉ với một mong muốn lớn nhất là được chia sẻ niềm vui của mình với những người còn khó khăn trong cuộc sống. Và chỉ cần nhìn thấy nụ cười của những khách hàng đặc biệt ấy sau khi dùng xong phần ăn mình đã chuẩn bị cho họ là bà lại như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục thực hiện mong ước "được sẻ chia" của mình!

 

Bảo Văn