Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

Ai đang dẫn dắt?

- Thứ Ba, 29/05/2018, 07:40 - Chia sẻ
Cả Triều Tiên và Mỹ liên tục có những động thái làm trỗi dậy hy vọng hồi sinh cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump vừa bị hủy bỏ vài ngày trước.

Thay đổi thái độ

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Donald Trump xác nhận các quan chức Mỹ đang có mặt ở Triều Tiên để tiếp tục chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nếu được tổ chức, sẽ diễn ra ở Singapore ngày 12.6. “Phái đoàn Mỹ của chúng tôi đã đến Triều Tiên để sắp xếp cho thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và tôi” - ông Donald Trump viết trên Twitter. Phái đoàn này do cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim - hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines - dẫn đầu, vượt qua ranh giới quân sự ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm để sang Triều Tiên.

Không chỉ cập nhật tiến trình chuẩn bị cho hội nghị, ông Trump còn dành cho Triều Tiên những lời “có cánh”: “Tôi thực sự tin rằng Triều Tiên có tiềm năng rực rỡ và một ngày nào đó sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế và tài chính tuyệt vời. Ông Kim Jong-un đồng ý với tôi về điều này. Nó sẽ xảy ra” - Yonhap dẫn lời ông Donald Trump.

Động thái này diễn ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và người đồng nhiệm Triều Tiên một ngày trước đó. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul, ông chủ Nhà Xanh cho biết, trong cuộc gặp bất ngờ với ông Kim, 2 bên đã nhất trí rằng cuộc gặp ngày 12.6 tới cần diễn ra thành công và nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như sự tìm kiếm nền hòa bình trường tồn không nên ngừng lại.

Trước đó, Triều Tiên đã có phản ứng khá bất ngờ về tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khác với sự giận dữ thường thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không lên tiếng mà để Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan phát biểu với những lời lẽ đầy tính cầu thị và ôn hòa. “Chúng tôi tuyên bố lại với Mỹ rằng chúng tôi sẵn sàng gặp Mỹ bất cứ lúc nào và bất cứ hình thức nào để giải quyết vấn đề. Cam kết của Triều Tiên là làm hết sức mình để đem lại hòa bình và ổn định trên toàn thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên, không có gì thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng dành thời gian và cơ hội cho Mỹ”.

Ngay sau đó, tức chỉ sau một ngày tuyên bố hủy, ông Donald Trump lại tuyên bố cuộc gặp với ông Kim Jong-un vẫn có thể diễn ra vào 12.6 tới tại Singapore theo lịch trình vì ông “rất hài lòng về tuyên bố ấm áp và mang tính xây dựng từ Triều Tiên”.

Bẫy việt vị

Với quyết định rút khỏi thượng đỉnh Mỹ - Triều trước đó, Mỹ cho rằng họ đang là người dẫn dắt khi hành động trước một bước để tránh vụ cá cược nhiều rủi ro. Nhưng có vẻ như chính Triều Tiên buộc ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp và cũng chính Triều Tiên đưa ông Donald Trump trở lại cuộc gặp theo lịch trình, chứ không phải Mỹ. Trong vụ này, ông Donald Trump đang làm theo ý nguyện của Bình Nhưỡng.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến tại Singapore, ngoài việc phê phán Mỹ với những lời lẽ hết sức cứng rắn, Triều Tiên đã chủ động hủy cuộc gặp cấp chuyên viên cao cấp với Hàn Quốc, không trả lời 6 câu hỏi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được coi là điều kiện tiên quyết cho cuộc gặp và không cử đoàn tiền trạm đến Singapore để cùng phía Mỹ chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp mà không thông báo để đoàn Mỹ phải đợi và quay về...

Thái độ này cho thấy ông Kim Jong-un không muốn gặp ông Donald Trump với những điều kiện tiên quyết và sức ép của Mỹ, điều buộc Mỹ đã phải tuyên bố hủy hội nghị. Song trái với dự tính của Mỹ, không có nước nào ủng hộ tuyên bố của ông Trump trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục chìa cành oliu và cơ hội cho Mỹ, đẩy họ rơi vào cái bẫy việt vị của Bình Nhưỡng. Rõ ràng từ vị trí bị gây sức ép, Triều Tiên đang trở thành người dẫn dắt.

Hai kịch bản

Câu hỏi đặt ra lúc này là có cơ may cho thành công của hội nghị sắp tới hay không khi lợi ích của Mỹ và Triều Tiên đang có những xung đột khó điều tiết? Các chuyên gia cho rằng có ít nhất hai kịch bản có thể xảy ra.

Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump kiên quyết yêu cầu Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân vô điều kiện, có kiểm chứng ngay lập tức. Điều này có nghĩa Mỹ muốn Triều Tiên xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa, chuyển giao toàn bộ vũ khí, nguyên liệu, công nghệ sản xuất cho Mỹ hoặc nước thứ 3, đưa các nhà khoa học hạt nhân và tên lửa sang nước ngoài sinh sống, đoạn tuyệt hoàn toàn với sản xuất tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Việc chuyển giao này phải được thực hiện với sự kiểm chứng của Mỹ và các bên liên quan.

Trong khi đó, ông Kim Jong-un lại yêu cầu Mỹ xóa bỏ cấm vận đối với Triều Tiên trước, viện trợ cho Triều Tiên phát triển kinh tế, cam kết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an toàn cho chế độ chính trị và chính quyền của ông Kim Jong-un, Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, rút các hệ thống phòng thủ THAAD ra khỏi Hàn Quốc… Nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ và Triều Tiên trở về vạch xuất phát của mớ bòng bong suốt 50 năm qua.

Thứ hai, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đồng ý lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn có kiểm chứng và lộ trình xóa bỏ cấm vận, viện trợ phát triển cho Triều Tiên, cam kết bảo đảm an ninh chủ quyền lãnh thổ cho Triều Tiên, an toàn cho chế độ chính trị hiện tại của Triều Tiên. Việc thực hiện các cam kết này có sự chứng kiến của các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hiện bóng nằm bên sân của Mỹ. Với tính khí hay thay đổi của Tổng thống Donald Trump, không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra những ngày tới. Một cuộc gặp có thể diễn ra, nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ không dễ dàng. Đàm phán thành công cần phải dựa trên cơ sở bình đẳng, thiện chí và không có điều kiện tiên quyết. Triều Tiên đã gửi đến Mỹ thông điệp đó, vấn đề là Washington, vốn quen sử dụng tiếng nói của vũ khí với những nước không đi theo quỹ đạo của mình, có chấp nhận hay không.

Quốc Đạt