Ai có quyền truy cập dữ liệu của đơn vị được kiểm toán?

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:45 - Chia sẻ
Hôm nay, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (Dự án Luật). Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật gửi đến các ĐBQH, UBTVQH đã làm rõ nhiều vấn đề còn gây tranh cãi như liệu có mở rộng đối tượng kiểm toán; ai được quyền truy cập dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán…

Không mở rộng đối tượng

Đối tượng kiểm toán là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm cũng như băn khoăn nhiều nhất không chỉ của ĐBQH mà cả các chuyên gia, dư luận xã hội. Có ý kiến lo ngại quy định như Dự án Luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Hiến pháp và cần phải thu hẹp lại.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình về Dự án Luật, UBTVQH thừa nhận quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, UBTVQH bỏ Điểm 1, Điểm 2a Khoản 10 Điều 1 trong Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, đồng thời bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là “có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Dự án Luật bổ sung quy định trong trường hợp cần kiểm tra, đối chiếu thì phải đưa vào kế hoạch do Trưởng đoàn kiểm toán duyệt. Ngoài ra, Dự án Luật cũng bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán.


Không mở rộng đối tượng kiểm toán Nguồn: Vietnam+

Bổ sung quyền truy cập dữ liệu là cần thiết

Theo Dự án Luật, KTNN được truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia. Quy định này từng gây tranh cãi khi nhiều ý kiến lo ngại vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật nhà nước.

UBTVQH cho rằng việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0. Tuy vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ. Do vậy, Dự án Luật chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán. Chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính

Liên quan quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, UBTVQH thừa nhận, Luật KTNN đã quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng “chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán”. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi của thành viên đoàn kiểm toán, kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Do vậy, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Dự án Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng KTNN về hành vi của Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán; về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; về kết luận, kiến nghị trong thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Để bảo đảm đầy đủ căn cứ giải quyết khiếu nại, khởi kiện, Dự án Luật bổ sung quy định trường hợp báo cáo kiểm toán được tổng hợp từ nhiều đơn vị được kiểm toán, KTNN gửi cho từng đơn vị thông báo kết quả kiểm toán về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với đơn vị đó trong báo cáo kiểm toán. Khi đó, thông báo kết quả kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán khiếu nại, khởi kiện theo quy định. Việc khởi kiện ra tòa sẽ theo Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, để thực hiện được việc khởi kiện, UBTVQH xin sửa đổi một số điều, khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính như bổ sung cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán” vào sau cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Các sửa đổi này không ảnh hưởng hay thay đổi hoạt động tố tụng hành chính hiện hành.

Đan Thanh