Góc nhìn

Ai “chống lưng” cho sai phạm?

- Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:11 - Chia sẻ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mường Thanh về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi bên cạnh việc giải quyết được bức xúc về chỗ ở cho người dân thu nhập thấp thì không ít dự án do Tập đoàn này làm chủ đầu tư đã bộc lộ nhiều sai phạm: Vi phạm trật tự xây dựng, xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch được duyệt…

Trước đó, Thanh tra TP Hà Nội đã có kết luận, chỉ ra hàng loạt dự án của Tập đoàn Mường Thanh ở Hà Nội vướng sai phạm. Đó là dự án khu nhà ở Xa La chủ đầu tư xây thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng; tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp VP6 thuộc khu vực phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai xây vượt quy hoạch 10 tầng. Không chỉ ở Hà Nội, nhiều dự án, công trình xây dựng của Tập đoàn này ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra các vi phạm tương tự.

Còn nhớ, tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Sáu của Đoàn ĐBQH ở Đà Nẵng, có cử tri đã chỉ rõ những vi phạm của Tập đoàn này. Cử tri đặt câu hỏi: Sau “lưng” Mường Thanh có một thế lực nào đó rất mạnh nên chúng ta không thể xử lý được? Liệu lãnh đạo của địa phương có “vấn đề” gì với nhà đầu tư của Tập đoàn Mường Thanh hay không? Sai phạm của Mường Thanh một lần nữa lại làm “nóng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND Đà Nẵng vừa diễn ra. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung thẳng thắn, những công trình này sai phạm đã kéo dài nhưng chưa xử lý, trách nhiệm trước tiên là của UBND thành phố vì chưa rà soát kỹ, đánh giá đúng những vấn đề bất cập của dự án. Đồng thời, cho biết, đến quý III.2019 phải xử lý dứt điểm vấn đề này.

Câu hỏi đặt ra, vì sao có cả hệ thống các cơ quan kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động xây dựng nhưng vẫn để xảy ra sai phạm. Vì sao, khi sai phạm được chỉ ra nhưng việc xử lý vẫn khó khăn đến vậy? Những căn hộ người dân mua nằm trong dự án có sai phạm về vượt tầng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) thì thiệt thòi trước tiên thuộc về người dân. Vậy, trong trường hợp này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, điều này cần phải được làm rõ.

Theo quy định của Điều 198, Bộ luật Hình sự 2015 về Tội lừa dối khách hàng: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ông Lê Thanh Thản đã bị khởi tố, sai phạm của ông Thản sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Cử tri mong rằng, cơ quan điều tra sớm có kết luận về vụ án này. Đồng thời, cần làm rõ, trong sai phạm của Mường Thanh, những cá nhân, cơ quan được giao quản lý, kiểm tra, thanh tra liên quan đến vấn đề này sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Chúng ta cần phải sòng phẳng trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan có liên quan. Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã từng nói, điều quan trọng nhất là không cho những công trình xây dựng vi phạm mọc lên, bởi lực lượng cơ sở thực hiện nhiệm vụ này đã có “chân rết” đến tận phường, xã. Do đó, khó có thể nói xây nhà cao tầng, vượt tầng mà lực lượng ở cơ sở không biết, quản lý về xây dựng lại không biết. 

Lê Hùng