Afghanistan: Thủ tục lập pháp đơn giản

- Thứ Năm, 23/11/2006, 00:00 - Chia sẻ

      Cũng giống như ở nhiều nước, ở Afghanistan, Chính phủ, các thành viên Quốc hội hoặc Tòa án Tối cao (đối với các dự luật trong lĩnh vực tư pháp) có quyền đưa ra sáng kiến lập pháp. Nhưng riêng dự luật tài chính và ngân sách thì chỉ Chính phủ được quyền trình. Nếu dự luật gồm các đề xuất về mức đánh thuế mới hoặc giảm thu ngân sách thì chỉ được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội với điều kiện có thêm các nguồn tài liệu khác đi kèm. 
      Sáng kiến lập pháp có thể do 10 nghị sỹ hoặc thượng nghị sỹ đưa ra, sau khi được 1/15 số nghị sỹ của Viện đó chấp nhận, văn bản sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Viện đó.
      Thông thường, các dự luật được trình Wolesi Jirga trước tiên. Viện này xem xét, thảo luận và bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ. Tất cả công việc nói trên chỉ được làm trong 1 tháng, sau đó, văn bản được chuyển lên Meshrano Jirga cho ý kiến trong vòng 15 ngày.
      Trong quá trình ra quyết định về các dự luật, Quốc hội ưu tiên cho các thỏa thuận và các chương trình phát triển của nhà nước mà Chính phủ đề xuất cần xem xét khẩn cấp.
      Chính phủ phải trình Quốc hội dự thảo ngân sách năm sau trong 4 tháng cuối năm tài khóa trước với báo cáo tài chính vắn tắt tình trạng ngân sách của năm hiện tại. Bản báo cáo chính xác của năm tài khóa trước phải được trình Quốc hội trong vòng 6 tháng sau khi Quốc hội thông qua dự thảo ngân sách năm kế tiếp. Về phần mình, Wolesi Jirga không được trì hoãn việc thông qua ngân sách lâu hơn 1 tháng sau khi nhận dược dự thảo. Nếu vì một lý do nào đó, ngân sách không được thông qua trước khi bắt đầu một năm tài khóa mới, thì ngân sách năm trước sẽ được áp dụng cho tới khi ngân sách mới được thông qua.
      Nếu trong các phiên họp của Quốc hội, ngân sách thường niên hoặc chương trình phát triển hay các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của đất nước cần phải được đưa ra bàn luận, thì các phiên họp của Quốc hội không được dừng lại cho đến khi giải quyết được các vấn đề này.
      Nếu một Viện bác bỏ quyết định của Viện kia, cũng giống như Nghị viện của các nước theo chế độ lưỡng viện, một ủy ban hỗn hợp gồm một nửa thượng nghị sỹ và một nửa hạ nghị sỹ sẽ được thành lập để giải quyết bất đồng. Quyết định của ủy ban, sau khi được Tổng thống phê chuẩn, có hiệu lực thi hành. Nếu ủy ban không giải quyết được vấn đề, coi như quyết định đang xem xét bị bác bỏ. Trong trường hợp này, Wolesi Jirga phải thông qua quyết định đó với đa số 2/3 trong phiên họp tiếp theo thì mới có hiệu lực. Và quyết định của Wolesi Jirga được thực thi ngay, không cần trình Meshrano Jirga, nếu được Tổng thống tán thành.

Hoàng Linh