Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV

99,42% số kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết

- Thứ Hai, 21/10/2019, 12:17 - Chia sẻ
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, UBTVQH đã tổng hợp được 2.224 kiến nghị của cử tri. Đến nay, đã có 2.211 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,42% tổng số kiến nghị đã chuyển.

Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát phòng, chống tham nhũng

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đối với các cơ quan của QH, cơ quan của UBTVQH, nhìn chung, cử tri đều cho rằng hoạt động của QH thời gian qua đã có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri.

"Cử tri đánh giá cao việc QH lựa chọn các vấn đề nóng được nhân dân quan tâm để tiến hành chất vấn. Cử tri cho rằng các nghị quyết của QH đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội", bà Nguyễn Thanh Hải nói.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Quang Khánh

Cử tri nhiều địa phương tiếp tục đề nghị QH tăng cường giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia... bảo đảm việc đầu tư được hiệu quả, tránh tăng chi ngân sách. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Tư pháp, Tổng Thư ký QH... thông tin cụ thể đến cử tri về việc tiếp thu kiến nghị cử tri, QH hết sức chú trọng tiến hành giám sát thường xuyên và liên tục đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngoài việc xem xét, thảo luận các báo cáo về KT-XH, báo cáo về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo về phòng, chống tội phạm, QH định kỳ tổ chức hoạt động chất vấn tại 2 kỳ họp hàng năm đối với người đứng đầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ về trách nhiệm trong công tác điều hành, quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động giám sát, đã chỉ ra các vấn đề bất cập trong chính sách, pháp luật, những tồn tại, hạn chế trong bộ máy quản lý và trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công.

Trong thời gian tới, tiếp thu kiến nghị cử tri, QH sẽ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều phương thức giám sát việc phòng, chống tham nhũng như: tăng cường chất vấn tại QH, UBTVQH; giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đối với lĩnh vực mà mình phụ trách trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BOT, BT, cổ phần hóa…

Tích cực chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng lớn kiến nghị cử tri

Tiếp thu kiến nghị cử tri đã ban hành, sửa đổi, bổ sung được 22 văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản ngay sau khi ban hành có chính sách hỗ trợ giúp người dân khôi phục sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống như: Tiếp thu kiến nghị cử tri các địa phương Phú Thọ, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu... Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg ngày 27.6.2019 về cơ chế, chính sách đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi... qua đó, đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại phục hồi sản xuất.

Tiếp thu kiến nghị cử tri tỉnh Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai..., Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, theo đó mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng tăng 7,194% (bằng tỷ lệ tăng tiền lương cơ sở) đã góp phần đảm bảo đời sống của người có công với cách mạng…

Các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp thu phản ánh của cử tri đối với một số hiện tượng tiêu cực diễn ra trong xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực như:

Cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị, các ngành chức năng nên khẩn trương rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh khi có phát hiện các twongfng hợp không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Tiếp thu kiến nghị cử tri, theo trả lời của Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp đã kiểm tra 34.220 cơ sở, xử phạt hành chính 1.947 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tý nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (chiếm 5,68%) giảm so với 6 tháng đầu năm 2018 (6,3%) nhýng với số tiền xử phạt 9,63 tỷ ðồng, tãng mạnh so với cùng kỳ nãm 2018 (3,3 tỷ đồng).

Cử tri tỉnh Thái Bình, Đắk Lắk, Vĩnh Long... đề nghị thanh tra, rà soát lại để bảo đảm chế độ người có công với cách mạng được thực hiện chính xác, công bằng, đúng đối tượng. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, từ năm 2018 đến tháng 6 đầu năm 2019, Thanh tra Bộ LĐ-TB và XH đã kiểm tra 53.718 hồ sơ tại 12 địa phương, phát hiện 650 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ phải đình chỉ trợ cấp và yêu cầu nộp trả ngân sách nhà nước số tiền 63,718 tỷ đồng; 1.176 hồ sơ được Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học phải điều chỉnh mức trợ cấp…

UBTVQH nhận thấy, trong hơn 3 tháng qua kể từ khi Kỳ họp thứ Bảy kết thúc, các bộ, ngành đã rất tích cực tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời một khối lượng rất lớn 2.224 kiến nghị của cử tri trên toàn quốc gửi tới kỳ họp, trong đó đã trả lời nhanh chóng, đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị cử tri, nổi bật là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương… Các cơ quan đã giải quyết xong toàn bộ kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy như: Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao về nội dung trả lời của các bộ, ngành: Bộ NN-PTNT; Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Bộ Tài chính…

Cần xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế đã nêu

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Đối với các cơ quan của QH, cơ quan của UBTVQH, các Đoàn ĐBQH chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri của các Đoàn ĐBQH mặc dù đã được nâng lên rõ rệt nhưng vẫn còn một số bất cập như: có trường hợp tổng hợp kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tổng hợp để gửi đến đề nghị các bộ, ngành giải quyết, trả lời…

Đối với Chính phủ, bộ, ngành, một số văn bản trả lời còn chưa có đầy đủ thông tin để ĐBQH trả lời cử tri; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết; một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số Bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật; một số kiến nghị đã được các bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

UBTVQH kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo và gửi kết quả giải quyết tới UBTVQH trước tháng 4.2020 để kịp báo cáo cử tri tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020). Đối với các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của hai Bộ, ngành trở lên, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ phối hợp thực hiện đúng Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do QH chuyển đến.

Thanh Chi