84% dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo

- Thứ Tư, 20/05/2020, 22:25 - Chia sẻ
Ngày 20.5, tin từ Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, ENV vừa cho ra mắt Báo cáo đánh giá hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam trong công tác xử lý các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo.

Cụ thể, Thanh Hóa, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương và Đà Nẵng là năm địa phương đạt hiệu quả xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo cao nhất trong cả nước. 94-100% các dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo đã được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý. Hơn thế nữa, cơ quan chức năng tại các địa phương này cũng đã nhanh chóng hành động và xử lý thành công hơn 50% vụ việc có dấu hiệu vi phạm.


Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng kiểm tra một quán cà phê tại thành phố và tịch thu 7 cá thể động vật hoang dã gồm 1 cá thể cầy hương, 4 cá thể sóc và 2 cá thể rùa núi vàng

Báo cáo cũng cho thấy, trên phạm vi cả nước, mặc dù tỷ lệ bình quân xử lý các vi phạm do người dân thông báo lên đến 84%, số lượng vụ việc được xử lý thành công lại khá khiêm tốn. Trong năm 2019, ENV chỉ ghi nhận 35% các vụ việc trong tổng số thông báo vi phạm về động vật hoang dã từ người dân cho kết quả thành công.

Bên cạnh tỷ lệ xử lý thành công đối với các vi phạm nói chung còn thấp, tỷ lệ xử lý thành công vi phạm liên quan đến động vật hoang dã còn sống tại các quán ăn, cửa hàng và các điểm tiêu thụ động vật hoang dã khác trên cả nước cũng không cao, chỉ đạt 39% số vụ việc có kết quả tịch thu động vật.

Bên cạnh 5 tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc, báo cáo cũng chỉ ra một số địa phương còn kém hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo. Đáng chú ý, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai trung tâm kinh tế và có tốc độ phát triển lớn nhất cả nước đều chỉ đạt tỷ lệ xử lý thành công và tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến động vật sống thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.

Trong năm 2020, ENV kêu gọi cơ quan chức năng tất cả các địa phương, bao gồm cả các tỉnh, thành dẫn đầu về hiệu quả xử lý vi phạm, tiếp tục nỗ lực cải thiện tỷ lệ xử lý các vi phạm do người dân thông báo để nâng mức bình quân cả nước là 90%. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hiệu quả xử lý thành công các vi phạm do người dân thông báo để ít nhất đạt 50% các vụ việc được thông báo.

Tin và ảnh: Bảo Hân