Cải cách thủ tục, hiện đại hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước

6 giảm, 8 tự động, 4 hơn

- Thứ Tư, 29/05/2019, 08:18 - Chia sẻ
“Có thể tóm gọn kết quả cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động của Kho bạc Nhà nước thời gian qua bằng cụm từ 6 giảm, 8 tự động, 4 hơn”, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Quang Vinh cho biết trong cuộc họp báo chuyên đề chiều 28.5.

Chiều qua, Kho bạc Nhà nước tổ chức họp báo chuyên đề về công tác kiểm soát chi qua kho bạc gắn với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh cho biết, 2019 là năm nước rút để hoàn thành Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, cũng là năm KBNN đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động hướng đến “Kho bạc điện tử” vào năm 2020. “Chúng tôi quan tâm cải cách, hiện đại hóa tất cả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, trong đó kiểm soát chi được coi trọng hàng đầu vì khâu này liên quan đến tất cả đơn vị có sử dụng ngân sách (khoảng 120 nghìn đơn vị) và số kiểm soát chi qua kho bạc rất lớn, như năm nay là trên 2 triệu tỷ đồng. Nếu KBNN cải cách tốt trong hoạt động kiểm soát chi thì sẽ mang lại hiệu quả lớn và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Vinh chia sẻ.   


Toàn cảnh buổi họp báo

Hướng đến kiểm soát chi điện tử

Thông tin về quá trình đổi mới và cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước những năm qua, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi cho biết “KBNN đã đạt những kết quả tích cực”.

Đối với chi thường xuyên, KBNN đã thực hiện kiểm soát cam kết chi, qua đó góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính tại các đơn vị và ngăn chặn nợ đọng trong thanh toán. Cơ chế, quy trình kiểm soát chi ngân sách qua KBNN được hoàn thiện theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách. Nhằm tiến tới kiểm soát chi theo giá trị và theo rủi ro, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi theo ngưỡng chi đối với các khoản chi dưới 20 triệu đồng; đồng thời, kiểm soát theo phương thức khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, quy trình kiểm soát chi thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch với 1 cán bộ của KBNN tại nơi giao dịch. “Như vậy, người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch. Việc này giúp rút ngắn thời gian thanh toán mà vẫn bảo đảm trách nhiệm kiểm soát và giải quyết ngay được các vướng mắc phát sinh”, ông Hà giải thích.

Đặc biệt, từ tháng 2.2018, KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến, theo đó, hồ sơ, chứng từ của đơn vị được gửi đến KBNN qua dịch vụ công trực tuyến và được kiểm soát, kế toán, thanh toán trên các hệ thống liên thông tại KBNN. “Đây là bước đi tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử”, ông Hà nhấn mạnh và cho biết thêm hệ thống KBNN cũng hạn chế chi trả ngân sách bằng tiền mặt. Trước đây, chi bằng tiền mặt qua kho bạc chiếm trên 20% đến năm 2018 giảm xuống dưới 6% và có khả năng tiếp tục giảm.

Rút ngắn thời gian thanh toán

Thực hiện kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối trong công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã giảm được 123 cấp phòng tại KBNN cấp tỉnh và trên 2.000 đầu mối cấp tổ tại KBNN cấp huyện, giải thể 43 Phòng Giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống KBNN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình giao dịch với KBNN.

Đối với công tác kiểm soát chi đầu tư, ông Hà cho biết, thủ tục kiểm soát thanh toán tại KBNN đã được giảm bớt về số lượng hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến KBNN.

Cụ thể, các đơn vị không phải gửi đến KBNN văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, văn bản thẩm tra phân bổ kế hoạch vốn đối với các dự án thuộc UBND các cấp quản lý; không gửi Biên bản nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, thay vào đó gửi Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán; bỏ quy định KBNN Trung ương thực hiện thông báo kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư.

Đối với hồ sơ pháp lý thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng không phải gửi quyển tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình đến KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán. Trường hợp chuyển vốn kéo dài sang năm sau, KBNN các cấp chỉ thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với chủ đầu tư để làm thủ tục chuyển nguồn, không phải chờ văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thì mới được chi. Qua đó, rút ngắn được thời gian thẩm định và xét duyệt vốn kéo dài sang năm sau, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư được rút ngắn so với Nghị quyết của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính. Các dự án đủ điều kiện giải ngân, thời gian kiểm soát thanh toán tại cơ quan KBNN chậm nhất là 3 ngày làm việc. Với hợp đồng thanh toán nhiều lần, KBNN áp dụng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, theo đó KBNN các cấp hoàn thành thủ tục thanh toán cho chủ đầu tư chậm nhất là 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ.

“Có thể tóm gọn kết quả cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động của KBNN thời gian qua bằng cụm từ 6 giảm, 8 tự động, 4 hơn”, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh nói trong buổi họp báo. 6 giảm gồm: Giảm hồ sơ; giảm giấy tờ; giảm thủ tục; giảm đầu mối (việc tiếp nhận hồ sơ, xử lý công việc chỉ do 1 người đảm nhiệm); giảm thời gian kiểm soát thanh toán (trước đây 7 ngày rồi rút xuống 4 ngày, nay chi thường xuyên chỉ còn 1 ngày); giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ kho bạc với khách hàng, tiến tới không tiếp xúc. 8 khâu có thể thực hiện tự động gồm: Tiếp nhận hồ sơ; kiểm soát; kế toán; thanh toán; trả kết quả; lưu trữ hồ sơ; báo cáo tự động và tự động đối chiếu. Mức độ tự động chưa thực sự hoàn thiện, nhưng theo lộ trình, năm 2019 tất cả các bộ, ngành, các tỉnh, các thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh là giao dịch công trực tuyến, đến năm 2020 tất cả đơn vị có giao dịch kiểm soát chi với kho bạc là trực tuyến, trừ giao dịch thuộc diện bí mật nhà nước. Từ những cải cách như vậy, ông Vinh cho biết KBNN thu được 4 cái hơn so với trước đây, gồm: Công khai minh bạch hơn; chặt chẽ hơn; an toàn hơn; hiệu quả hơn.

Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị, tổ chức có quan hệ giao dịch với KBNN, hệ thống KBNN đang nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp nhằm hiện đại hóa phương thức thanh toán theo hướng: Thanh toán tự động theo lô đối với một số khoản chi có tính ổn định cao như lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội,…; cung cấp dịch vụ thanh toán tự động dựa theo cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ (các loại hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị sử dụng trước, trả tiền sau như điện, viễn thông, nước, vệ sinh môi trường,…) theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách; triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với các đối tượng không có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Hà Lan