Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc

5 năm lại một lối mòn

- Thứ Bảy, 12/09/2015, 08:32 - Chia sẻ
Qua 18 kỳ tổ chức, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập: Mô hình, cách thức tổ chức không hề thay đổi, không thu hút được nhiều họa sĩ chuyên nghiệp, áp lực về số lượng nên triển lãm khó có chất lượng, thưa vắng người xem.

Chưa đúng tầm và đúng trọng tâm

Đó là ý kiến được các nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra tại “Đề xuất giải pháp hoàn thiện, đổi mới nâng cao chất lượng các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc” được tổ chức mới đây. Sự kiện mỹ thuật được coi là lớn nhất, 5 năm mới tổ chức một lần nhưng thực tế, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc những lần gần đây chưa được tổ chức đúng tầm và đúng trọng tâm, nhiều nhận định cho rằng, nguyên do là cách tổ chức cũ kỹ, theo lối mòn. Theo nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc không còn thích hợp với hoàn cảnh xã hội và đời sống mỹ thuật, một công thức đã trở nên bảo thủ. Cách tổ chức và trưng bày triển lãm ngày càng xa dần cách làm chuyên nghiệp của thế giới.

Trong 18 kỳ tổ chức, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc luôn tổ chức tại Nhà triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Các tác phẩm từ hội họa, điêu khắc đến các loại hình mới được “nhồi nhét” cho vừa với không gian trưng bày, còn yếu tố bày đặt nghệ thuật không được quan tâm. Chưa kể, mỗi loại hình lại có những yêu cầu riêng về không gian trưng bày nên việc “đổ đống” tất cả tác phẩm đương nhiên đã giảm đi khả năng biểu cảm của tác phẩm. Bên cạnh đó, con số tác phẩm gửi đến và số được chọn trưng bày có xu hướng phình to. Có năm tác phẩm trưng bày trong triển lãm lên đến 1.353 tác phẩm (1990), và gần đây nhất có 836 tác phẩm (2010). Dưới hàng nghìn tác phẩm như vậy, người xem dễ bị mệt mỏi về thị giác. Đó là không kể số lượng tác phẩm với đề tài lặp lại, cách thức thể hiện thiếu khác biệt.

PGS.TS. Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng, bất cập còn thể hiện ở hội đồng nghệ thuật với những thành viên chưa hẳn đã nắm sâu sắc về một lĩnh vực nào đó. Đặc biệt, với cách thu nhận hàng nghìn tác phẩm, việc sàng lọc xét duyệt trở nên khó khăn cho ban tổ chức, không tránh khỏi sự qua loa đại khái, hoặc sơ suất. Ban tổ chức và hội đồng xét duyệt càng đông thì trách nhiệm càng chuyển thành có tính “tập thể”, không ai chịu trách nhiệm.

Vẫn biết điều kiện của ta còn có nhiều khó khăn, khác biệt so với các Triển lãm Mỹ thuật thế giới, nhưng nếu vẫn giữ nguyên cách làm “già” và “cũ”, không chịu thay đổi như hiện nay, triển lãm sẽ chỉ làm tốn kém tiền của mà không thu hút được người xem.

Vườn đông, người vắng

 Nhà nghiên cứu Bùi Như Hương cho rằng, các cuộc triển lãm diễn ra đang trượt dài về tính hiệu quả. Kích thước tác phẩm tham dự ngày một lớn hơn nhưng chất lượng  lại thụt lùi. Nhiều loại hình nghệ thuật đương đại ra đời nhưng cách thức tổ chức vẫn không thay đổi và tụt hậu so với thời cuộc. Do vậy, các cuộc triển lãm từ năm 2000 đến nay trở nên hỗn độn, rối loạn và khó sắp xếp.

So sánh với các ngành nghệ thuật khác, số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật rất hùng hậu, chỉ riêng Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có gần 2.000 hội viên, chưa tính đến các họa sĩ không gia nhập hội chuyên ngành. Thế nhưng số lượng các tác giả tên tuổi tham dự ngày một thưa vắng. Lý do là, thời kỳ bao cấp, các họa sĩ ít có cơ hội công bố tác phẩm nên các cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc thời gian đó luôn là nơi hội tụ những tác phẩm đỉnh cao, đẹp nhất và mới nhất. Còn ngày nay, nhiều sân chơi ở trong và ngoài nước được mở ra, các nghệ sĩ đã có thêm nhiều lựa chọn. Hơn nữa, điều kiện phòng trưng bày và bảo quản tác phẩm không bảo đảm của triển lãm đã khiến các họa sĩ nổi tiếng rút lui. Điều này lý giải, chất lượng tác phẩm của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc thời kỳ đổi mới kém hơn so với trước đây và đây không còn là nơi hội tụ của các anh tài trong giới tạo hình.

Một số nhà chuyên môn cho rằng, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đang làm giảm dần mối quan tâm của công chúng và còn bị “hững hờ” bởi nhiều nghệ sĩ trong giới, nhất là nghệ sĩ trẻ. Bởi Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc phần lớn dành cho hội họa giá vẽ. Các hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video art của các nghệ sĩ trẻ khó có điều kiện tham dự. Và sau mỗi kỳ triển lãm, kết thúc việc nhận tác phẩm, dường như sân chơi có quy mô toàn quốc vẫn chỉ mang tính phong trào.

Trước sự thờ ơ của công chúng, TS. Phạm Long cho rằng, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cần quan tâm về mặt truyền thông, quảng bá hơn. Ngay sau mỗi kỳ triển lãm, trên website của ban tổ chức cần triển khai ngay những kế hoạch tuyên truyền, makerting mới cho triển lãm tiếp theo để đông đảo nghệ sĩ và công chúng nắm bắt, hưởng ứng… Đặc biệt, phải luôn cập nhật những ý tưởng mới, đổi mới liên tục về tư duy tổ chức và xây dựng các chủ đề, các bộ phận, khu vực cho mỗi kỳ triển lãm.

Chỉ khi triển lãm có chất lượng, giới thiệu được nhiều tác phẩm giá trị, thể hiện sự trân trọng nghệ sĩ, nghệ thuật thì sẽ lôi kéo được nhiều công chúng tham dự, đặc biệt là những công chúng sành nghệ thuật, những nhà sưu tập để có thể thúc đẩy việc mua tác phẩm. Trái lại, nếu người xem thờ ơ, họ sẽ tìm sự thỏa mãn nghệ thuật của mình ở những triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân có chất lượng tốt như thực tế thời gian qua đã cho thấy.

Anh Thơ