Luật Doanh nghiệp 2020

5 cải cách quan trọng

- Thứ Bảy, 18/07/2020, 07:47 - Chia sẻ
Với nhiều cải cách quan trọng, Luật Doanh nghiệp 2020 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập doanh nghiệp, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Tiết kiệm gần 50% chi phí thủ tục hành chính

Giới thiệu Luật Doanh nghiệp 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, mục tiêu tổng quát của Luật là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4. 

Ảnh minh hoạ

Gồm 10 chương, 218 điều, Luật Doanh nghiệp 2020 có 5 cải cách quan trọng. Cải cách đầu tiên là về thủ tục hành chính. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật mới sẽ tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí, thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Cụ thể, Luật bãi bỏ hai thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, nổi bật là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”. Luật cũng bãi bỏ nhiều thủ tục thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Theo Báo cáo Kết quả đánh giá tác động thủ tục hành chính của Luật Doanh nghiệp 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, việc cắt giảm thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới gần 50% chi phí cho các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường và tổng chi phí cắt giảm hàng năm mà Luật mới mang lại cho các doanh nghiệp ước tính hơn 23 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Luật cho phép doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi trực tiếp thành công ty cổ phần, công ty hợp danh (tiết kiệm thời gian, chi phí do bỏ được một bước chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn nếu doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi sang công ty cổ phần, công ty hợp danh); bổ sung thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (tiết kiệm thời gian, chi phí so với trước đây do hộ kinh doanh được chuyển đổi trực tiếp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh).

Luật mới cũng bổ sung thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (thông tin của người đại diện theo pháp luật) đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; bổ sung thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (thông tin của người đại diện theo pháp luật) đối với công ty cổ phần. Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Nâng cao hiệu lực quản trị của doanh nghiệp 

Luật Doanh nghiệp 2020 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có phần vốn góp chi phối. Trong đó, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến là cải cách quan trọng thứ hai của Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ; đồng thời, bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.

Cải cách quan trọng thứ ba của Luật này là nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước, Luật mới đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Luật cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước. 

Cải cách quan trọng thứ tư là thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh, Luật đã bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. 

Cải cách quan trọng thứ năm của Luật Doanh nghiệp 2020 là tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp. Theo đó, Luật mới bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 199, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về hợp nhất doanh nghiệp. Khoản 3, Điều 199 quy định, “công ty bị hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất công ty”. Đối với trường hợp sáp nhập doanh nghiệp, Khoản 3, Điều 200 của Luật mới cũng nêu rõ: “Các công ty chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật Cạnh tranh liên quan đến sáp nhập công ty”.

Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có hiệu lực thực thi từ ngày 1.1.2021.

 

 

 

Nhật An