30 năm tìm sách, mở thư viện miễn phí

- Thứ Sáu, 13/08/2010, 00:00 - Chia sẻ
Bước vào đầu thôn Thị, thuộc phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội, hỏi nhà anh Trần Văn Chín, ai cũng biết. Bà bán nước trước cổng làng còn nói vọng với tôi: “cứ thấy cái nhà nào to nhất là nhà ông ấy đấy. Nhưng chẳng biết có nhà hay lại đi tìm mua sách báo rồi”.

Gần 30 năm, cuộc đời có những lúc thăng trầm nhưng anh thanh niên ham mê sách vở và sưu tầm sách báo để phục bà con trong vùng đã trở nên thân thuộc với nhiều người. Và cũng từ bấy lâu, người ta gọi anh với cái tên: “Chín thư viện”. Từ khi hoạt động đến nay, thư viện của anh Chín đã phục vụ gần 20.000 lượt người tới tìm đọc sách báo. Năm 2009, anh Trần Văn Chín đã được Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL trao tặng bằng khen về hoạt động thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Đây là thư viện tư nhân đầu tiên và duy nhất có được niềm tự hào ấy.

Tuổi thơ dữ dội

Sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh chị em, anh thứ 9, cha mẹ cũng đặt tên Chín cho... dễ nhớ, dễ gọi. Ký ức tuổi thơ là ám ảnh về những bữa đói ăn, những buổi mò cua bắt cá trên cánh đồng La Khê se sắt mưa phùn, những ngày anh em dắt díu nhau đi xúc cám, chăn vịt thuê cho bà con quanh làng quanh xã. “Vậy mà từ những ngày ấy, không hiểu sao tôi lại ham mê đọc sách đến kỳ lạ. Dù một ngày có làm việc vất vả đến đâu nhưng hễ gặp được quyển sách hay, tôi có thể thức thâu đêm để đọc cho kỳ hết. Tôi kể kỷ niệm ấy không có ý khoe mình hay chữ, bởi đến giờ, tôi cũng chẳng có bằng cấp nào để so sánh với đời. Gia tài chỉ là những cuốn sách, rất nhiều sách, vì từ ngày ấy tôi đã hiểu rằng trong sách có ngọc”.

Gia đình không có điều kiện để có thể học cao hơn, 11 tuổi, Chín quyết tâm mượn sách về nhà tự học và xin cha mẹ lên La Khê, cách nhà 5 cây số để... học võ. Anh học cho đến khi thầy anh, cụ Ba Minh một hôm gọi đến và bảo: “Đọc sách và võ nghệ, con đã tinh thông, cầm kỳ thi họa con cũng tỏ, thầy không còn gì để dạy con nữa”. Một tháng sau, vì gánh nặng gia đình và cũng vì đã trót mang trong mình thú phiêu lưu hồ hải, Trần Văn Chín một mình lặn lội vào Nam, mưu sinh bằng nghề mãi võ Sơn Đông. “Lang thang trong đoàn mãi võ 4 năm, trong một lần đoàn nghỉ lại Bình Định, tôi đi lạc và bị một trận ốm bất ngờ quật ngã trong đêm mưa gió. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong gia đình một người làm nghề mộc. Ông chủ đợi tôi khỏi hẳn nói chỉ một câu: “Nếu con thích có thể ở lại, bằng không con có thể ra đi bất kể lúc nào”. Trần Văn Chín bảo đó là bước ngoặt cuộc đời của anh, bởi sự hạnh ngộ tưởng chừng rất lạ kỳ đó đã khởi đầu cho một giai đoạn khác. Anh tình nguyện ở lại, chuyên tâm học nghề làm mộc và khắc gỗ. Tuy nhiên, một ngày đầu những năm 1990, hình ảnh cha mẹ già và nỗi nhớ cố hương chợt ùa đến. Chỉ xin thầy duy nhất một ước nguyện, được đưa tất cả những cuốn sách anh tích góp và bộ sách cổ về chạm khắc gỗ mà thầy tặng từ những ngày đầu, Chín bái biệt ân sư tìm về đất Bắc.

30 năm tìm sách, mở thư viện miễn phí

Hơn 10 năm lang bạt, khi về, Chín mở xưởng gỗ nhỏ ngay gần nhà, hàng ngày chuyên tâm làm gỗ và phụng dưỡng cha mẹ. “Có thể có điều gì đó rất kỳ lạ trong cuộc đời của tôi. Từ những tinh hoa của sách vở và những thực tiễn cuộc đời mà mình đã trải, những sản phẩm đồ gỗ của tôi thường xuyên nằm trong sự lựa chọn của khách hàng, dù tôi hiểu rằng xứ Bắc này, nhiều địa phương đã nổi tiếng với sản phẩm đồ gỗ, chạm khắc...”. Hàng của anh Chín bắt đầu được xuất khẩu, nhiều bạn bè quốc tế biết đến và mời anh ký kết hợp đồng. Cuộc sống gia đình ngày một khá giả như lẽ nhân quả cho những nỗ lực trong lao động và sự hữu duyên hiếm có trong cuộc đời.

Có một điều kỳ lạ, nói như lời anh, dù quãng thời gian tha phương cầu thực, để nuôi sống mình đã khó nhưng thú đọc sách và giữ sách thì anh chưa một ngày bê trễ. Lúc này, số lượng sách trong nhà anh đã lên tới vài nghìn cuốn, và bây giờ, khi có điều kiện hơn, Chín càng có cơ hội để thỏa mãn niềm ham thích ấy. Bất kể nơi nào có sách hay, sách quý anh đều tìm mua cho kỳ được. Những dịp ra nước ngoài, thứ duy nhất anh mang về chỉ là sách và sách. Chín có những cuốn sách quý về kinh tế, tài chính của Mỹ, của châu Âu, những pho sử, những bộ triết học, tam tự kinh của Trung Quốc, Ấn Độ. Anh cũng đang sở hữu bộ Đại Việt sử ký toàn thư từ thời Lý Trần viết bằng tay (thời điểm năm 1991 trị giá 64 triệu đồng), bộ sách Minh Mạng đi săn trị giá 15 triệu đồng...

Năm 2005, gia đình anh Chín gặp một cơn hỏa hoạn lớn, sách không mất cuốn nào nhưng những sản phẩm đồ gỗ, máy móc đều bị thiêu rụi. Trả hết nợ, vực dậy cuộc sống và ổn định tâm lý, anh không làm nghề mộc nữa mà chuyên tâm cho việc phát triển thư viện để phục vụ miễn phí bà con quanh làng và cũng để thỏa cái thú vui mà đã trót nợ nần một đời ấy. Chị Vân, vợ anh, trước là nhân viên ngân hàng nhưng từ lâu đã tình nguyện xin ở nhà làm... thủ thư. Dân làng đến có quạt mát, nước uống và một không gian yên tĩnh để đọc sách. Thư viện anh chia làm ba tầng, tầng 1 là phòng đọc sách “bình dân”, với hơn 3.000 đầu sách phổ thông phục vụ nông dân và thiếu niên trong làng. Tầng 2 là phòng đọc dành cho cán bộ, sinh viên, người cao tuổi nghiên cứu, với nhiều đầu sách cổ có giá trị, trong đó có cuốn Y Thuật từ thế kỷ XIII. Và tầng 3 dành cho các học giả, tri thức có thể ngồi tranh luận, phản biện, đối đáp...

Mở miễn phí và khách có thể mượn về nhà để xem, vậy nên từ nhiều năm nay thư viện Hưng Phúc đã trở thành một điểm đến của không chỉ bà con quanh vùng mà còn là địa chỉ của nhiều khách thập phương mỗi khi cần tìm tài liệu quý hiếm.

Nguyễn Văn Quân