Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2018)

30 năm - vị thế được khẳng định

- Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:28 - Chia sẻ
Cuối năm 1987 tôi về QH với chức danh Ủy viên Hội đồng Nhà nước và Chủ nhiệm VPQH và Hội đồng Nhà nước. Về một nơi mới, nhiệm vụ nặng nề, rất quan trọng, nên tôi cố gắng nắm tình hình, đi sâu vào công việc và học hỏi kinh nghiệm người đi trước.

Đi từ không đến có

Ngay khi về giữ chức danh Chủ nhiệm VPQH và Hội đồng Nhà nước, tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của QH. Bởi vậy, bên cạnh tạo điều kiện cho báo chí được gần hơn với các hoạt động của QH, Hội đồng Nhà nước và VPQH, tôi ý thức rằng, QH cần có một cơ quan báo chí, phải có tiếng nói của mình. Ở thời điểm đó chỉ có tờ thông tin về QH, chủ yếu cung cấp cho các cơ quan và ĐBQH một số thông tin về nội dung họp QH, hoạt động Hội đồng Nhà nước và một số văn bản pháp luật mà QH, Hội đồng Nhà nước thông qua. Tờ thông tin này chỉ dừng ở mức độ cung cấp thông tin cơ bản, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyên truyền rộng rãi, sâu sắc các hoạt động của QH. Để nâng tầm công tác tuyên truyền cho hoạt động QH, tôi bàn với các cán bộ lãnh đạo VPQH, và được đồng tình về việc lập đề cương xây dựng tạp chí, để hướng tới xây dựng tờ báo cho QH.

Qua tham khảo các nhà báo uy tín từ Bắc vào Nam, căn cứ vào nhiều tiêu chí khác, VPQH, Hội đồng Nhà nước đã quyết định lấy tên là Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, sau này được nâng cấp thành báo Người Đại biểu Nhân dân. Những ngày tháng đó, có ý kiến đề xuất lấy tên tạp chí Tiếng Dân - giống một tờ báo do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút. Tên gọi này hay nhưng đã được sử dụng. Tên Người Đại biểu Nhân dân vừa thể hiện một phần ý nghĩa của tên gọi Tiếng Dân, vừa hướng đến đối tượng độc giả quan trọng là đại biểu dân cử. Về nhân sự, cũng phải bố trí, chọn lọc những con người cụ thể để phụ trách tạp chí để sau này tiến lên tờ báo. Trong nhân sự hiện có lúc ấy của VPQH, tôi chọn anh Nguyễn Ngọc Thọ, đang làm chuyên viên phụ trách tờ thông tin QH. Tôi giao trách nhiệm này cho anh Nguyễn Ngọc Thọ, vì đã biết anh là người đạo đức và có trình độ.

Trong những ngày đầu tiên hoạt động, Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân hầu như không có kinh phí, nên có thể nói để nâng cấp lên thành báo Người Đại biểu Nhân dân là một quá trình đi từ không đến có. Kinh phí cấp cho Tạp chí ban đầu chỉ có 3 triệu đồng, rồi vay thêm Bộ Tài chính thành 7 triệu đồng, nên rất khó khăn. Nhưng đây chỉ là một phần khó khăn trong những ngày đầu ấy. Đi từ không đến có là một quá trình rất công phu. Trước hết về nhận thức, lúc đầu không ai nghĩ tới cần có một tờ báo cho QH. Do vậy, khi đặt vấn đề thành lập tạp chí, thì gần như không nhận được sự ủng hộ. Quá trình bàn bạc, thuyết phục trong Hội đồng Nhà nước về việc thành lập tạp chí không dễ dàng. Rất mừng, sau đó, qua quá trình trao đổi, thuyết phục, việc cho ra đời tờ tạp chí cũng nhận được sự ủng hộ.

Sau khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, chuyển sang mô hình UBTVQH, thì tuy không còn tranh luận về việc thành lập Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, nhưng việc nâng cấp lên báo tuần, rồi báo ngày cũng còn vấp phải những ý kiến không đồng tình. Người đứng đầu Ban Tư tưởng - Văn hóa khi ấy không ủng hộ, vì thấy rằng không cần thiết. Thế rồi, qua quá trình trao đổi, thuyết phục và từ kết quả hoạt động thực tiễn của Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, lần lượt các quyết định nâng cấp từ tạp chí lên tuần báo, rồi nhật báo đã được ban hành. Những khó khăn của việc thuyết phục, chứng minh bằng hoạt động cụ thể để được nâng cấp lên thành tuần báo, nhật báo có lẽ đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên công tác tại Báo khi ấy sẽ nhớ rõ từng chi tiết sinh động hơn.

Còn nhớ, khi số đầu tiên của Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân phát hành đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều ĐBQH, đại biểu HĐND khi đó. Bởi các bài viết đăng trên Tạp chí, sau này là Báo Người Đại biểu Nhân dân đã đi sâu phản ánh đa dạng các nội dung nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, thực tiễn từ địa phương... Và không biết từ lúc nào, một cách rất tự nhiên, tờ báo trở thành cẩm nang, tài liệu quý để đào tạo, bồi dưỡng đại biểu dân cử, vì đọc báo họ thấy được những thông tin rất thiết thân, như hoạt động của đại biểu như thế nào, nội dung kỳ họp ra sao, phát biểu thế nào cho chất lượng, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn ra sao, lắng nghe ý kiến cử tri, giải quyết ý kiến cử tri như thế nào… Rất mạch lạc và đầy đủ.

Giúp nhận thức rõ hơn về vai trò HĐND các cấp

Tôi đánh giá cao tờ báo ở vai trò góp phần giải quyết một vấn đề rất quan trọng là nhận thức về HĐND các cấp. Trong Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ trước đây quy định chung chung nên dễ dẫn đến hiểu nhầm. Các văn bản này đều quy định UBTVQH có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND. Trong khi đó, Chính phủ cũng được quy định có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát và tạo điều kiện cho HĐND.

Điểm trùng lặp trong quy định về chức năng, nhiệm vụ của UBTVQH và Chính phủ đã làm nảy sinh băn khoăn UBTVQH hay Chính phủ chủ trì? Chính phủ bận nhiều việc, nên chỉ đạo trực tiếp UBND đã lớn lắm rồi, không có thời gian kiểm tra, giám sát HĐND các cấp, hầu như không làm được bao nhiêu. UBTVQH, với các cơ quan của QH, nên có điều kiện đi sâu, nhưng chức năng, nhiệm vụ mức độ, nên đi sâu quá cũng dễ có đụng chạm. Về nguyên tắc, hàng năm cần có họp HĐND các tỉnh, thành phố trên cả nước để đánh giá, tổng kết hoạt động, nhưng ai đứng ra tổ chức hội nghị này? Và vì có sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa UBTVQH và Chính phủ, nên các hội nghị này đến nay vẫn chưa được tổ chức thường xuyên.

Báo Người Đại biểu Nhân dân trước đây, cũng như Báo Đại biểu Nhân dân hôm nay, đã dành sự quan tâm với hệ thống HĐND các cấp, để cung cấp thông tin, nghiệp vụ cho HĐND, đại biểu HĐND các cấp, cũng như mở rộng số lượng phát hành. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Báo Đại biểu Nhân dân đã hình thành đội ngũ cộng tác viên đông đảo là những đại biểu HĐND, cán bộ công tác tại Văn phòng HĐND các cấp. Đặc biệt, Báo đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị cộng tác viên toàn quốc, và duy trì hàng năm trong suốt nhiều năm qua.

Trước đây, với vai trò Chủ nhiệm VPQH, tôi ủng hộ và chỉ đạo Báo tổ chức Hội nghị công tác viên, góp phần khắc phục việc UBTVQH và Chính phủ không tổ chức thường xuyên hội nghị tổng kết hoạt động của HĐND. Thực tế, tại các Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hàng năm đều có lãnh đạo, Thường trực HĐND các cấp đến dự. Thời điểm đầu cũng có ý kiến băn khoăn, Hội nghị của một cơ quan báo chí tổ chức mà mời nhiều lãnh đạo HĐND các tỉnh, thành phố tham dự thế? Nhưng thực tế cho thấy, các cơ quan dân cử địa phương có nhu cầu về trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nên Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc của Báo tự nó đã “hữu xạ tự nhiên hương”, thu hút sự tham gia của đại diện Thường trực HĐND các cấp. Ngoài ra, Báo Người Đại biểu Nhân dân, sau này nâng cấp và đổi tên thành Báo Đại biểu Nhân dân, đã rất nhạy bén, khi phản ánh đậm nét, kỹ Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các khu vực.

Phát triển rất nhanh

Thuở ban đầu mới thành lập, từ tờ Tạp chí có “tay không” thực hiện nhiệm vụ thông tin cho QH, nhưng bằng niềm tin, sự cố gắng và nỗ lực không ngừng, đã có những phát triển rất nhanh. Báo ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo QH và VPQH. Minh chứng rõ rệt nhất cho sự thay đổi này là việc nâng cấp và đổi tên thành Báo Đại biểu Nhân dân vào năm 2009. Đây là thành quả chung và sự phấn đấu bền bỉ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động, đặc biệt là các thế hệ Tổng Biên tập của Báo.

Sau 30 năm, Báo Đại biểu Nhân dân đã khẳng định vị thế, chỗ đứng của mình, với đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trưởng thành, vững vàng. Đây là phần thưởng vô giá cho tờ báo. Nhưng mong muốn là chúng ta không bằng lòng với kết quả đạt được. Vì yêu cầu đặt ra cho tờ báo là phải tăng sức hấp dẫn với bạn đọc hơn nữa. Đương nhiên, để thực hiện yêu cầu này không có nghĩa chúng ta chạy theo thị hiếu xã hội tầm thường, vì sẽ dễ dẫn đến việc đưa thông tin không chính xác, vi phạm đạo đức người làm báo... Báo Đại biểu Nhân dân không thể đi theo hướng này. Cho nên, tuyên truyền thế nào để vừa đưa thông tin chính xác, vừa có sức hấp dẫn, gần gũi, phản ánh được ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri là không đơn giản.

Muốn vậy, tôi cho rằng, trước hết, từng phóng viên phải tu rèn mình nhiều hơn nữa, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, để có những viết bài sắc sảo, gần với quần chúng, đi vào thực tế, nhưng không đi theo hướng tiêu cực. Đây là bài toán không dễ thực hiện, đòi hỏi Tổng Biên tập, các Phó tổng biên tập và Ban biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phải có bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, chung tay xây dựng một tờ báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời có bản sắc riêng. Báo Đại biểu Nhân dân cần tiếp tục phấn đấu để có bản sắc riêng và thực sự hấp dẫn bạn đọc, cử tri và nhân dân cả nước.

Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Phương Thủy ghi