Hệ thống ủy ban của Nghị viện Ấn Độ

24 ủy ban giám sát bộ, ngành

- Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:10 - Chia sẻ
Để thực hiện tốt nhất chức năng giám sát, Nghị viện Ấn Độ có hệ thống ủy ban khá quy mô, trong đó đáng nói nhất là hệ thống các ủy ban giám sát trực tiếp các bộ, ngành.

Bám sát hoạt động của bộ, ngành

Để thúc đẩy hoạt động giám sát của nhánh lập pháp với hành pháp toàn diện và hiệu quả hơn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống ủy ban luôn là một phần quan trọng trong chương trình cải tổ nghị viện. Năm 1989, 10 năm sau khi cơ chế ủy ban giám sát bộ, ngành được triển khai ở Hạ viện Anh, mô hình này được các chuyên gia lập pháp Ấn Độ đánh giá là sáng kiến cách tân Nghị viện của thế kỷ XX, đồng thời bắt đầu được xem xét áp dụng ở Ấn Độ.

Tháng 3.1993, 2 viện thống nhất thành lập các Ủy ban thường trực giám sát các bộ. Ngày 8.4.1993, 17 ủy ban như vậy đã được thành lập. Tháng 7.2004, số ủy ban này được nâng lên 24 nhằm củng cố hệ thống ủy ban của Nghị viện. Trong số 24 ủy ban giám sát bộ, 8 ủy ban hoạt động dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của Chủ tịch Thượng viện. 16 ủy ban còn lại thuộc quyền quản lý của Chủ tịch Hạ viện.

Theo luật, các ủy ban giám sát bộ có rất nhiều nhiệm vụ: xem xét đề nghị cấp ngân sách của bộ được giám sát và báo cáo lại; xem xét các dự thảo gắn liền với chức năng của bộ đó, hoặc dự thảo được Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện chỉ định, và báo cáo lại; xem xét báo cáo hàng năm của các bộ và báo cáo lại; xem xét các văn bản về chương trình, chính sách quốc gia dài hạn trình lên Nghị viện, nếu được Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện giao và báo cáo lại. Các Ủy ban này không giám sát cách xử lý công việc hàng ngày của các bộ, ngành.

Báo cáo của các ủy ban này được hoàn thiện trên cơ sở đồng thuận. Tuy nhiên, nếu một thành viên của ủy ban không đồng ý thì ý kiến đó có thể được ghi riêng vào báo cáo. Ủy ban giám sát bộ không tự nhiên xem xét các vấn đề đã thuộc phạm vi xem xét của các ủy ban thường trực khác.


Nhiều loại hình ủy ban

Hệ thống ủy ban hoạt động theo Nội quy Nghị viện và quy tắc hành động cũng như theo chỉ đạo trực tiếp từ các Chủ tịch ủy ban.

Nếu xét về thời gian tồn tại, có 2 loại là ủy ban lâm thời và ủy ban thường trực. Ủy ban lâm thời được Thượng viện thành lập đại diện cho Chủ tịch hoặc do Chủ tịch đích thân thành lập trong một thời hạn nhất định. Những ủy ban này sẽ bị giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao và có báo cáo trình Nghị viện. Ủy ban chọn lọc hoặc Ủy ban hỗn hợp chọn lọc (gồm đại diện lưỡng viện) được chỉ định để xem xét các dự thảo cũng được xếp vào dạng ủy ban lâm thời.

Ngược lại, Ủy ban thường trực có chức năng rõ ràng. Ví dụ Ủy ban Dân nguyện được coi là thiết chế hữu hiệu của Thượng viện trong việc trả lời đơn thư, khiếu nại của người dân. Nghị viện Ấn Độ cũng có một ủy ban với tên gọi đặc biệt là Ủy ban Cam kết của Chính phủ, chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai các cam kết, hay hứa hẹn của các bộ trưởng trước Nghị viện và bảo đảm rằng những cam kết này được hoàn thành trong khoảng thời gian hợp lý. Hay Ủy ban Lập quy xem xét và kiểm tra các quy định và báo cáo từ Chính phủ gửi đến Nghị viện, để phát hiện quy định hoặc hành vi vượt quá quyền hạn được Hiến pháp hoặc một đạo luật cho phép. Ủy ban này cũng giám sát nhánh hành pháp để phát hiện kịp thời những động thái không được báo cáo lên Nghị viện. Ủy ban Về các văn bản trình Nghị viện chuyên xem xét tính tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của các văn bản trình lên Nghị viện, cũng như phát hiện những trường hợp trì hoãn trình văn bản lên Nghị viện với lý do không hợp lý.

Có 2 ủy ban với chức năng giám sát tài chính quan trọng thuộc Hạ viện nhưng có cả các thượng nghị sĩ tham gia, đó là Ủy ban Ngân sách và Ủy ban Chi tiêu công. Hai Ủy ban này giám sát tất cả các vấn đề ngân sách, có quyết định hồi tố. Ủy ban Ngân sách chủ yếu kiểm tra các tài khoản công để bảo đảm các khoản tiền Nghị viện quyết định chi cho Chính phủ đã được chi tiêu đúng mục đích và lộ trình như Nghị viện yêu cầu. Ủy ban Chi tiêu công kiểm tra các báo cáo và ghi chép về các chi tiêu công và xác định, trong phạm vi quyền tự chủ của Chính phủ và nguyên tắc hiệu quả trong chi tiêu, xem các vấn đề công đã được quản lý theo nguyên tắc kinh doanh và thương mại hợp lý hay chưa. Hai Ủy ban này được coi là các công cụ hữu hiệu nhất của Nghị viện nhằm giám sát việc sử dụng hiệu quả tài chính của nhánh hành pháp.

Phương Trang