"Thu, hát cho người"

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:55 - Chia sẻ
Vậy là nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã về cát bụi, bỏ lại hồng trần những vui buồn day dứt vào ca khúc để "thương những đời như lục bình trôi" vào cõi thẳm sâu. Một trong những nỗi day dứt đó, là người con gái tên Thu đầy ám ảnh trong ca khúc "Thu, hát cho người"...
Bạn từng nghe ca khúc đó qua giọng ca khó quên của nữ danh ca Lệ Thu một thời vang vọng ở các phòng trà Sài Gòn trước 1975. Nghe thì người ta nghĩ chắc nhạc sĩ viết về mùa thu, nhưng thực sự, Thu trong ca khúc là tên riêng một cô gái có thật.
Cô gái đó tên là Hồ Thị Thu, mang một vẻ đẹp giản dị, dễ mến và đặc biệt có đôi mắt buồn hút hồn những trái tim nghệ sĩ như nhạc sĩ Sao Biển. Trong ký ức về cô nữ sinh trường Trung học Tiểu La (Thăng Bình, Quảng Nam), thì Thu là một nhân vật đã đi vào trái tim những ngày đầu mới yêu của nhạc sĩ.

Nhưng rồi chiến chinh loạn lạc, trai thời chiến chẳng biết đời mình sẽ về đâu để mãi sau này, chính nhạc sĩ cũng đau đáu viết vào ca khúc Điệu buồn phương Nam: Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi. Ông cũng rời dòng sông quê ra đi phiêu bạt theo dòng đời, để lại hình bóng cô gái tên Thu như những rung cảm chớm nở đầu đời để mãi là đơn phương trọn kiếp.

Một lần về quê cũ, nhạc sĩ biết Thu đã vào Sài Gòn và sau đó kết duyên với một sĩ quan pháo binh, ông viết "Thu, hát cho người" bằng tất cả day dứt và tiếc nuối: Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta khóc vì xa người. Trong một lần trò chuyện 15 năm trước, tôi hỏi nhạc sĩ, cho đến bây giờ cô Thu có biết chú viết bài ấy cho cô không, chú bảo: "Cổ (cô - P.V) biết chứ sao không? Cổ còn biết không chỉ tôi mà cổ còn là nhân vật của một số ca khúc nổi tiếng của một nhạc sĩ nổi tiếng khác".

"Nhạc sĩ khác" ấy chính là nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, tác giả của Sông quê, Ru con tình cũ, Dưới trời dĩ vãng... Tôi cũng từng có dịp hỏi chuyện nhạc sĩ họ Đynh về cô gái đặc biệt này.

Chú Ca cởi mở hơn, chú không giấu rằng Thu là một nỗi ám ảnh dài trong những năm tháng quá khứ. Có thể, nhạc sĩ Sao Biển say lòng cô Thu ở thời cô Thu bán quán cà phê gần trường, còn nhạc sĩ Đynh Trầm Ca thì mê cô Thu từ bao năm trước đó, khi cô Thu còn mỗi ngày vượt sông quê đến trường làng đi học. Hình bóng đó cứ tích tụ dần để sau này ông viết: Ơi con sông quê, bao năm đã lở đã bồi, đời biển dâu nên em cũng dạt quê người. Chiều nay bỗng nhớ cây mù u, dòng sông in bóng em chiều Thu...

Tình cảm dành cho cô Thu trong lòng nhạc sĩ họ Đynh còn sâu hơn, ông lặng lẽ dõi theo từng bước đường của người con gái mình yêu. Sông quê 1 chưa đủ, ông viết thêm Sông quê 2, đầy trách cứ nhưng cũng đầy sâu lắng: Từ ngày em bỏ dòng sông, bỏ quê mình đi qua mấy mùa mưa nắng...

Sau này, khi hay tin cô Thu đã chồng con đề huề, nhạc sĩ lại thêm lần nữa gửi nỗi buồn vào trong câu hát: Ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình buồn. Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay, cho lòng này gửi những cơn đau... (Ru con tình cũ).

Một hình bóng và những người tình đơn phương mãi day dứt trong các ca khúc, từ Thu, hát cho người đến Sông quê rồi Ru con tình cũ của hai nhạc sĩ nổi tiếng. Và dòng đời xô mỗi người theo một cuộc đời, một số phận khác nhau. Cô Thu có gia đình yên ấm, lặng lẽ nghe ca khúc 2 nhạc sĩ viết cho mình và ôm kỷ niệm cùng chồng sống lặng lẽ tại quê nhà sau khi Sài Gòn thay đổi.

Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca day dứt một quãng đời dài, ông ở lại với quê hương và mãi vẫn ghi tâm một hình bóng cũ: Tạ ơn em cho tôi phiền muộn, với thương đau ôm suốt một đời. Tạ ơn em cho tôi đau khổ... (Dưới trời dĩ vãng).

Còn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển giờ đây đã rời cõi tạm, sau khi gửi lại trần gian một ca khúc bất hủ.

Cảm ơn tình yêu. Cảm ơn người con gái tên Thu. Cảm ơn các nhạc sĩ, đã yêu, đã buồn, đã đau và đã viết cho đời những bản tình ca đẹp và trao cho chúng ta niềm tin vào vẻ đẹp của tình yêu, dù nó có dang dở.
Nguyên Vũ