"Cháy hết mình"

- Thứ Hai, 11/05/2020, 17:09 - Chia sẻ
(ĐBNDO) – “Mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri là tất yếu và được thể hiện trên nền tảng quan trọng là sự cháy hết mình của người đại biểu. Đây chính là thước đo để thấy được sự gắn kết mối quan hệ này là hiệu quả hay không hiệu quả, bền chặt hay lỏng lẻo, thực chất hay hình thức”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh đã chia sẻ như vậy khi nói về mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri.

Bền chặt hay lỏng lẻo, thực chất hay hình thức ?

Gặp ông khi kỳ họp thứ 11 – kỳ họp cuối cùng của QH Khóa XIII vừa kết thúc, ông bồi hồi chia sẻ, làm ĐBQH, làm người đại diện cho nhân dân hai nhiệm kỳ là điều rất vinh dự và tự hào. Tự hào khi được làm ĐBQH, làm người đại diện cho cử tri và vinh dự khi được cử tri tin tưởng bỏ phiếu bầu để làm người đại diện cho họ.

10 năm làm ĐBQH để lại trong ông vô vàn những kỷ niệm với cử tri. Đối với ông đấy đều là những kỷ niệm vô giá giúp hình thành nên mối quan hệ mật thiết với cử tri. Ông cho biết, mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri là tất yếu và được thể hiện trên nền tảng quan trọng là sự cháy hết mình của người đại biểu. Đây chính là thước đo để thấy được sự gắn kết mối quan hệ này là hiệu quả hay không hiệu quả, bền chặt hay lỏng lẻo, thực chất hay hình thức.

Vậy cháy hết mình là như thế nào? Theo Phó chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh, cháy hết mình là dám nói, dám bảo vệ và dám tự chịu trách nhiệm. Nhưng muốn nói được, làm được trước hết đại biểu phải biết lắng nghe ý kiến của cử tri, phải thiết lập được kênh thông tin hữu hiệu, nhanh và chính xác để duy trì và tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri. Ngoài ra, cần thiết phải có bộ phận tham mưu giúp việc cho các ĐBQH chuyên trách.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh

Ảnh: Lê Hoa

Ông cho biết, tại các buổi tiếp xúc cử tri có rất nhiều vấn đề, lĩnh vực, từ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, đến sửa chữa đường sá, cầu cống ở địa phương, cho đến những vấn đề lớn thuộc tầm cỡ quốc gia như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A... được cử tri đề cập đến với mong muốn ĐBQH giải đáp. Phấn khởi vì được cử tri tin tưởng gửi gắm nhiều ý kiến là tâm tư, nguyện vọng, hay cả những sự bức xúc đối với các vấn đề trong cuộc sống thường ngày, song là đại biểu chuyên trách ở trung ương nên sẽ có nhiều vấn đề, sự việc ở địa phương đại biểu không thể nắm rõ, không sâu sát được nếu như không tìm hiểu kỹ. Cùng với đó, việc xác minh tính chính xác của thông tin do cử tri cung cấp có đúng với tình hình thực tế tại địa phương hay không làm cơ sở cho kiến nghị và giải pháp khả thi cũng là điều rất khó, rất công phu. Điều này đòi hỏi đại biểu chuyên trách ở trung ương cũng phải làm được thấu đáo” – đại biểu Mạnh cho biết.

Do vậy, để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu và để đại biểu hoạt động hiệu quả hơn cần thiết phải có bộ phận tham mưu giúp việc cho các ĐBQH chuyên trách, nhất là các đại biểu hoạt động tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Bởi thực tế hiện nay các ĐBQH chuyên trách thiếu rất nhiều công cụ hỗ trợ, giúp việc do vậy đại biểu phải tự mình làm nhiều việc, điều này cũng gây ra khó khăn nhất định đối với đại biểu trong việc dành thời gian cho hoạt động chuyên trách của mình.

Bắt đúng "mạch đập" của đất nước

Theo ĐBQH Ngô Đức Mạnh,  để hoàn thành tốt trách nhiệm của người đại diện cho nhân dân, hoàn thành tốt nhất nghiệp dân cử có rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu chính là sự trăn trở, tâm huyết. Để làm được điều này, bên cạnh gắn bó bền chặt với cử tri, nắm bắt và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri thì việc tham gia thảo luận và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH cũng rất quan trọng. Bởi đây là nơi thể hiện ý kiến của ĐBQH. Do đó, để có thể nói được chính kiến của mình, nói lên được tiếng nói của nhân dân, người đại biểu phải dành thời gian, công sức để chuẩn bị cho ý kiến phát biểu.

“Thời gian phát biểu của ĐBQH tại nghị trường rất ít, nên đại biểu phải biết lựa chọn được những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, để phát biểu, tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm của mình. Từ đó góp phần tìm giải pháp và thúc đẩy vấn để chuyển biến tốt” – ông Mạnh nói.

Chọn được vấn đề, bắt đúng "mạch đập" của đất nước là rất quan trọng, nhưng theo ông Mạnh, để ý kiến được ghi nhận cần trình bày ngắn gọn, tránh trùng lặp, tìm hướng đề cập mới. Ngoài ra, để làm tốt công việc, chức trách của ĐBQH cần phải biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Thông qua lắng nghe để có thể tiếp nhận thông tin, sau đó tìm hiểu, xác minh thông tin và thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân. “Đây là bước rất quan trọng để ĐBQH vừa nắm bắt được thông tin vừa gắn bó chặt chẽ với cử tri. Đồng thời cũng giúp đại biểu bồi dưỡng thêm nguồn kiến thức, hiểu biết của mình về một vấn đề cụ thể, qua đó góp phần làm sâu sắc thêm bài phát biểu tại nghị trường”- ông cho biết.

QH đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử bầu QH Khóa XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh bày tỏ sự kỳ vọng vào một QH khóa mới năng động và hiệu quả hơn. Ông lý giải, năng động ở chỗ QH tiếp tục thảo luận, tranh luận đầy tinh thần trách nhiệm, sôi nổi và nhanh nhạy. Và hiệu quả thể hiện trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát, truy nguyên đến tận cùng những vấn đề mà người dân và cử tri còn bức xúc, còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lê Hoa