Quốc hội không ngừng đổi mới vì người dân, doanh nghiệp

Bài 2: Tạo khí thế mới, cơ hội mới

- Thứ Năm, 21/07/2022, 06:10 - Chia sẻ

TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Các cơ chế, chính sách, pháp luật được ban hành trong năm đầu tiên của Quốc hội Khóa XV cùng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra khí thế mới, cơ hội mới cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước.

Năm đầu tiên của Quốc hội Khóa XV rơi đúng vào giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước vì những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đối với cuộc sống của người dân và nền kinh tế. Tiếp đó là những tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu, trong đó có nước ta, từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina và có vẻ như những tác động tiêu cực đó còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch Covid-19, thậm chí có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong tình hình đó, với 4 kỳ họp trong vòng 12 tháng, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhanh nhạy, kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật để đồng hành với cả hệ thống chính trị vì mục tiêu ổn định vĩ mô và chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, trong lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố, Quốc hội vừa rút ngắn thời gian kỳ họp vừa chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ đưa ra thảo luận và bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách, chưa có tiền lệ. Điều này tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời, nhất là để thực hiện mục tiêu kép: vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội quyết định nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để hỗ trợ phục hồi kinh tế- xã hội; Ảnh: L.Hiển
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội quyết định nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để hỗ trợ phục hồi kinh tế- xã hội
Ảnh: L.Hiển

Tới Kỳ họp thứ Hai thì dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn rất phức tạp. Đây là lần đầu tiên, kỳ họp của Quốc hội được tổ chức thành hai đợt, kết hợp họp trực tuyến và tập trung. Thời gian họp cũng được rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm thông thường nhưng không hề giảm nội dung cho thấy tính khẩn trương, quyết liệt vào cuộc của cơ quan lập pháp. Với việc chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và dữ liệu điện tử, Quốc hội điện tử đã phát huy tác dụng, nhất là trong các phiên họp trực tuyến, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu.

Những quyết sách quan trọng của Quốc hội tại kỳ họp này liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết chung của kỳ họp đã thể hiện các giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đáp ứng mong đợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả và xây dựng gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình để sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, để kịp thời thể chế hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phòng, chống dịch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất trong bốn ngày rưỡi. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Cùng với đó, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng vốn ngân sách với tổng mức đầu tư trên 146.000 tỷ đồng, với quy mô 729km hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 và coi đây là một trong các gói kích cầu quan trọng trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Quốc hội cũng thông qua một số luật sửa đổi bổ sung một số luật kinh tế quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Kỳ họp thứ Ba diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... Quốc hội đã quyết định nhiều chính sách lớn nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia tổng mức đầu tư gần 300.000 tỷ đồng với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Nhận thức sâu sắc trước những khó khăn, thách thức rất lớn của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, không quản thời gian, sức lực, hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong khi nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ còn nhiều hạn chế. Tuy chưa thể một sớm một chiều thay đổi tình hình, đáp ứng ngay các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhưng về cơ bản, các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành trong năm đầu tiên của Quốc hội Khóa XV cùng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã tạo ra khí thế mới, cơ hội mới cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Cuộc sống luôn thử thách sức chịu đựng và khả năng thích ứng của chúng ta. Nhiều khi khó khăn cũ chưa vượt qua, thách thức mới đã ập đến. Cùng với cả nước, QH Khóa XV tiếp tục xây dựng một Quốc hội Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm, “một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc Kỳ họp thứ Hai. Đó cũng là một Quốc hội mà người dân, cử tri luôn mong đợi.