Bài 1: Mặn cao không sợ bằng mặn dài
“Nước ngọt để tưới cạn kiệt rồi. Nguồn dự trữ, bổ sung chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, còn vườn bưởi thì đành tưới nước mặn 1.5 - 1.7‰. Chấp nhận vầy để giữ cây chứ không mong giữ quả. Mặn cao thôi cũng đành, nhưng nếu mặn còn kéo dài, chắc chắn cây cũng không giữ nổi” – ông Hoàng Văn Thảnh, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang thở dài.
>> Bài cuối: “Suy nghĩ nghiêm túc về Luật Đồng bằng” >> Bài 4: Nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên >> Bài 3: Cần có quy hoạch chiến lược về nguồn nước >> Bài 2: Buộc phải sống chung Có những khu vườn đang chết dần…
Ở xã nông thôn mới Mỹ Phong, bà con chủ yếu trồng hoa, cây cảnh và cây ăn trái. Đây cũng là vùng trồng bưởi da xanh chuyên canh trọng điểm ở ven TP. Mỹ Tho. Hạn mặn hầu như chưa từng chạm đến Mỹ Phong nhưng năm nay hạn hán khốc liệt, độ mặn tăng cao khiến người dân không thể lấy nước sông để tưới vườn và sinh hoạt. Hàng nghìn hecta cây ăn quả đang “khát nước” trầm trọng.
![]() Kênh cạn nước, trơ đáy tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang |
Ngay từ những tháng cuối năm 2019, nguồn nước ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu khan hiếm. Nước mặn từ biển đã tấn công vào đất liền, sớm hơn cùng kỳ các năm trước gần 2 tháng, lấn sâu chưa từng có. 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau lần lượt công bố tình huống khẩn cấp nhưng thực tế, hầu hết các địa phương đồng bằng sông Cửu Long đều bị ảnh hưởng, đang phải gồng mình chống chọi với hạn mặn. |
Ông Hoàng Văn Thảnh cho biết, sau tết, các kênh trữ nước tưới bưởi trong vườn có dấu hiệu nhiễm mặn. Ban đầu, gia đình ông không dám bơm tưới vườn bưởi mà vẫn cố chắt chiu nước ngọt từ nguồn khác để tưới, kết hợp dùng lá dừa che chắn gốc cây để giữ ẩm. Nhưng ông Thảnh cầm cự không được bao lâu. Tới khi nước ngọt dùng cho sinh hoạt cũng không còn, ông chấp nhận tưới vườn bưởi bằng nước mặn dưới 2‰. Đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời những mong giữ được vườn bưởi qua mùa hạn, mặn – chừng giữa tháng 4 tới. “Nếu mặn kéo dài qua thời điểm này, tui chỉ còn cách bỏ vườn, chờ trời cứu”. Ông Thảnh bảo từ thủa cha sinh mẹ đẻ tới giờ, lần đầu ông thấy vùng đất này nhiễm mặn nặng và lâu như vậy.
Ấy vậy, ông tự nhận mình vẫn còn may so với mấy người bạn trồng sầu riêng bên thị xã Cai Lậy. “Sầu riêng cực khó tính, chỉ cần nước mặn 0.5‰ cũng đủ quắt lá, rụng trái. Để cây chết thì thiệt hại nặng lắm, lại còn phải tốn thời gian dài trồng lại nữa nên mấy bạn tui phải bỏ tiền thuê sà lan bơm tưới chữa cháy”. Giá nước tưới cây từ 5 - 6 triệu đồng/sà lan (80m3 - 100m3) “tốn kém vô cùng”.
Tất nhiên không phải hộ dân nào cũng có khả năng mua nước ngọt về cứu vườn, bởi như lời ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phong, “nước giờ quý hơn vàng”. Ông Tuấn cho biết, không dưới 30% cây ăn quả có giá trị cao của Mỹ Phong đã có hiện tượng khô lá, suy kiệt; có những khu vườn đang chết dần. Thiệt hại không dừng lại ở đó khi mà mùa khô chưa dứt và hạn, mặn còn có thể kéo dài.
![]() Kênh dẫn nước khô hạn, nứt nẻ tại xã Long Hòa, thị xã Gò Công, Tiền Giang |
Bỏ qua khuyến cáo
Ở Tiền Giang, một trong những nơi bị ảnh hưởng lớn nhất do hạn mặn là huyện ven biển Gò Công Đông. Nhiều diện tích lúa đến giai đoạn ngậm sữa và trổ đòng thì đứng trước nguy cơ “chết trắng” do hạn mặn. Năm nay, mấy công lúa nhà anh Hoàng Thanh Ni, xã Đồng Thạnh, “xem như bỏ đi”. Nếu cầm cự qua được giai đoạn này thì cũng thiệt hại tới 70%. Kênh rạch giờ cạn trơ đáy bởi nguồn nước ngọt tiếp tế từ cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã cắt từ tháng trước. Anh Ni thừa nhận, trước đó chính quyền khuyến cáo các hộ nông dân không nên gieo lúa sau ngày 15.12.2019 để đề phòng hạn mặn, nhưng anh không làm theo nên “giờ mới ra nông nỗi này, rầu lắm”.
Tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, từ cuối tháng 12.2019, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Dù được cảnh báo sớm nhưng do chủ quan và nước mặn về sớm, nhiều người dân không kịp trở tay. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Giồng Trôm cho biết, trong huyện có nơi độ mặn đã chạm ngưỡng 10‰. Ngoài dừa xiêm chịu mặn tốt, còn lại các loại cây trồng khác đều thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, dù tỉnh và huyện đã khuyến cáo nhưng các hộ dân vẫn gieo sạ tự phát khoảng 857ha lúa, tập trung ở 2 xã Bình Thành và Tân Thanh. Đến thời điểm này, 50% diện tích không còn khả năng thu hoạch. Nhiều nông dân vì xót lúa đã bơm nước mặn vào đồng dù biết rằng lúa khó chống chịu được.
Ông Đức cho biết, huyện Giồng Trôm đã và đang phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhưng đến thời điểm này chưa thể khẳng định được giải pháp nào có hiệu quả, giúp người dân giảm bớt thiệt hại. Hạn hán còn dễ ứng phó, bởi có nước sẽ khôi phục được sản xuất. Còn đã xâm nhập mặn rồi thì 10 năm sau kinh tế không phát triển được bởi những tác động tai hại của nó. “Sống chung với hạn mặn khó hơn sống chung với lũ rất nhiều” - ông Đức nói.