Nỗ lực cá nhân và sự vào cuộc của tập thể

- Thứ Ba, 06/12/2022, 06:58 - Chia sẻ

Thực hiện việc đột phá, đổi mới chính là để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao của cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tập thể và là một trong những cơ sở để đánh giá năng lực, triển vọng phát triển của mỗi cá nhân. Nhận thức đầy đủ về nguyên tắc và yêu cầu đó, mỗi cá nhân và tập thể đều nỗ lực, cố gắng cao nhất cụ thể hóa, thực hiện nhiệm vụ đột phá, đổi mới được giao.

Trước hết, từng cá nhân đều xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp cụ thể và lộ trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện việc đột phá, đổi mới được giao gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của cá nhân. Bên cạnh đó, với cương vị người đứng đầu, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng tập thể Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh luôn đồng hành, có định hướng cụ thể, sát sao đối với từng cá nhân và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi cá nhân thực hiện việc đột phá, đổi mới được giao.   

Tạo chuyển biến mạnh mẽ sau chất vấn

Chất vấn, giải trình tại các kỳ họp, phiên họp của HĐND, Thường trực là hoạt động giám sát quyền lực đặc biệt quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò, vị thế của đại biểu và cơ quan dân cử địa phương. Song hành với Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Thị Minh Xuân, trong chương trình công tác hàng năm của HĐND tỉnh đặt mục tiêu: tổ chức hiệu quả phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND và "mỗi năm tổ chức ít nhất 2 phiên chất vấn hoặc giải trình của Thường trực HĐND tỉnh". Trong các phiên họp của Thường trực HĐND, Chủ tịch và tập thể Thường trực HĐND đã kịp thời có những định hướng sát đúng để giao các Ban tổ chức khảo sát đề xuất nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND, những vấn đề cần tổ chức chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND.

Tháng 12.2021, tại Kỳ họp thứ 3 của nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 3 nhóm vấn đề về lĩnh vực công nghiệp và thương mại; quản lý tài chính, ngân sách; lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đã đạt được và các giải pháp, cam kết đã được đưa ra, yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực và đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện những giải pháp đã cam kết, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực được chất vấn.

Tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 12.2022), Thường trực HĐND tỉnh đang chỉ đạo hoàn thiện các nội dung, thủ tục để tổ chức phiên chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực và giám đốc các sở ngành liên quan về 4 nhóm vấn đề: công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh và việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2021, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức các phiên nghe giải trình về việc xử lý rác thải từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và giải quyết kiến nghị của cử tri về đền bù đất đai, tài sản bị ngập úng ở hồ thủy điện ICT Chiêm Hóa. Tại phiên họp, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục đã được làm rõ. Kiến nghị của cử tri về đền bù đất đai, tài sản bị ngập úng ở hồ thủy điện Chiêm Hóa, là vấn đề đã kéo dài nhiều năm; sau phiên giải trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Na Hang chủ trì phối hợp với Nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa và các ngành liên quan kiểm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc với sự đồng thuận lớn của cử tri.  

Năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 phiên họp, nghe giải trình về: việc quản lý, đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân, hộ gia đình từ năm 2021 đến ngày 30.6.2022. Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn UBND cấp huyện phân loại, giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Về công tác giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đối với HĐND cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng về phát triển kinh tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang - nhiệm vụ đột phá, đổi mới của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà đã được tập thể Thường trực HĐND chỉ đạo sát sao thông qua các hoạt động cụ thể như: tổ chức các Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thành phố; chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND; giúp Chủ tịch HĐND các huyện thực hiện các nhiệm vụ đột phá được giao; tăng cường phối hợp, khâu nối trong các hoạt động giám sát, TXCT…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung kết luận việc giải quyết kiến nghị của cử tri  về đền bù đất, tài sản trên đất bị ngập úng trong vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung kết luận việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đền bù đất, tài sản trên đất bị ngập úng trong vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa

Các ban hoạt động ngày càng hiệu quả

Việc thực hiện nhiệm vụ đột phá, đổi mới đối với các chức danh lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh đã giúp hoạt động của các ban ngày càng hiệu quả, chiều sâu thiết thực. Đối với nhiệm vụ của Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách về giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quy định, cơ chế chính sách của HĐND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về lĩnh vực kinh tế; với sự vào cuộc sát sao của người đứng đầu và nỗ lực của các thành viên, tập thể ban đã tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát về  tiến độ thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, về việc thực hiện Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Với nhiệm vụ đổi mới, đột phá của chức danh Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh là giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến để xây dựng, thẩm tra trình HĐND thông qua các nghị quyết bảo đảm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025…

Đối với các phó trưởng ban, từng nội dung được giao đều có kết quả theo đúng lộ trình đặt ra như: về việc nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đã giám sát việc giải quyết kiến nghị, đề nghị của cử tri tại một số xã trên địa bàn các huyện; tham mưu khảo sát công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về việc giám sát, đề xuất giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đã tham gia xây dựng, thẩm tra, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; giám sát thực hiện, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả nghị quyết.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ

Với mục tiêu chung nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; tham mưu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng; của tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh; tập thể lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tham mưu Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quy định về đánh giá, xếp loại hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cho đại biểu; bảo đảm các điều kiện hoạt động cho đại biểu, Tổ đại biểu HĐND...

Lãnh đạo Văn phòng cũng nỗ lực chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh. Từng cá nhân và tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động của Văn phòng đã xác định và kiên trì, quyết tâm thực hiện phương châm “kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả”; xây dựng, thực hiện các quy trình thực hiện từng nhóm nhiệm vụ chuyên môn của Văn phòng như: quy trình phục hoạt động giám sát; quy trình phục vụ các kỳ họp HĐND, các cuộc họp, hội nghị của Đảng đoàn và Thường trực HĐND… sửa đổi, hoàn thiện các quy chế, quy định, phân công và tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, phục vụ của Văn phòng theo từng công việc cụ thể; tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND… 

PVL