ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa): Cần đưa các Phó Trưởng ban HĐND vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

- Thứ Tư, 31/05/2023, 12:05 - Chia sẻ

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Lại Thế Nguyên cho rằng, về nguyên tắc chức danh Phó Trưởng ban HĐND đều do HĐND bầu và trên thực tế, các chức danh này không nhiều. Do đó, cần đưa các Phó Trưởng ban HĐND vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm làm căn cứ để đánh giá cán bộ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa): Cần đưa các Phó Trưởng ban HĐND vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm -3
ĐBQH Lại Thế Nguyên phát biểu thảo luận tại tổ ​​​​​​

Theo đại biểu Lại Thế Nguyên, tại tiết a Khoản 2 Điều 2 trong dự thảo nghị quyết quy định là HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND, đây là quy định đúng nhưng chưa đủ. Bởi, về nguyên tắc, chức danh Phó Trưởng ban HĐND đều do HĐND bầu và trên thực tế Phó Trưởng ban HĐND ở các tỉnh và các huyện không nhiều. Ví dụ như  ở Thanh Hóa có đầy đủ 4 ban thì sẽ có 8 đồng chí Phó Trưởng ban, còn một số tỉnh thì chỉ có 3 ban, số lượng là không nhiều nhưng tại sao lại không quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với đối tượng này. Theo đó, đại biểu Nguyên đề nghị là trong dự thảo nghị quyết là cần đưa cái đối tượng này vào để lấy phiếu tín nhiệm, làm căn cứ đánh giá cán bộ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa): Cần đưa các Phó Trưởng ban HĐND vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm -1
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thảo luận tại tổ 

Tại Khoản 1 Điều 10 dự thảo nghị quyết quy định quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội chậm nhất 45 ngày trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp Quốc hội, căn cứ vào đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm quy định trong nghị quyết này UBTVQH xem xét quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm”. Đại biểu Nguyên cho rằng, quy định này là chưa hợp lý, bởi nếu căn cứ vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm theo nghị quyết rồi mà UBTVQH lại xem xét quyết định danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm là dẫn đến ý hiểu là “dù đã thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm nhưng vẫn phải được UBTVQH xem xét quyết định mới đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm”.

Theo đó, đại biểu đề nghị là ở Điều 5 cần thêm một nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là “tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người thuộc đối tượng theo đúng quy định trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 2. Có nghĩa là, chỉ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 3 trường hợp: đã thông báo nghỉ chế độ; mới được bổ nhiệm; ốm đau, bệnh hiểm nghèo. Theo đó, đại biểu Nguyên đề nghị là Khoản 1 Điều 10 phải sửa lại là UBTVQH căn cứ vào các đối tượng như vậy để thông qua danh sách chứ không phải là quyết định nữa.

ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa): Cần đưa các Phó Trưởng ban HĐND vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm -0
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thảo luận tại tổ 

Đại biểu Nguyên cũng băn khoản về Khoản 2, Điều 12  quy định “người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 2 nghị quyết này thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với tất cả chức vụ đó”. Đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị bổ sung thêm ý “miễn nhiệm một lần” đối với tất cả chức vụ để tiết kiệm thời gian, rút gọn lại thủ tục hành chính.

ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa): Cần đưa các Phó Trưởng ban HĐND vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm -0
ĐBQH Lại Thế Nguyên góp ý Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh 

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, tôi cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết. Bên cạnh đó, tôi đề nghị sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua thì các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành cũng phải sớm được ban hành để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Năm 2021, Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, nhưng đến nay sau hai năm thì một số nội dung chưa được thực hiện do chưa có văn bản của Chính phủ. Trong đó, một số nội dung trong chính sách đặc thù cho Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng đến nay chưa thực hiện được. Ví dụ Thanh Hóa được hưởng không quá 70% số vượt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn nhưng đến nay chưa thực hiện được do là chưa có văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Nếu không tích cực thì từ nay đến cuối năm chưa chắc đã có văn bản của Chính phủ. Tôi đề nghị, nghị quyết này khi được thông qua phải có văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành để tổ chức triển khai thực hiện vì trong nghị quyết của TP. Hồ Chí Minh là liên quan đến rất nhiều vấn đề: về đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy cho nên nếu không hướng dẫn thì chắc là rất là khó khăn để thực hiện”.

Đào Cảnh
#