“Điệp khúc” trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế

- Thứ Tư, 25/05/2022, 05:23 - Chia sẻ

“Chậm”, “chậm trễ”, “rất chậm”… là những từ xuất hiện khá thường xuyên, như một điệp khúc, trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Ủy ban Kinh tế tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Đáng chú ý, sự chậm trễ xảy ra ở những phần việc mang tính cấp bách và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước.

Đầu tiên phải kể tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đã 5 tháng trôi qua từ ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình (Nghị quyết 43), các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn. Ví dụ, chính sách hỗ trợ lãi suất, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, khơi thông nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, hướng dẫn cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết 43...

Đặc biệt, nguồn vốn của Chương trình vẫn chưa đi vào thực tế. Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1% - 1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, Quốc hội cho phép bổ sung hơn 113 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách. Vậy nhưng, vừa qua Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 hơn 18,3 nghìn tỷ đồng - chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. Và đến giờ Chính phủ cũng chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm, công trình quốc gia (như các dự án đường sắt đô thị ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự án Cảng Hàng không Long Thành, dự án cao tốc Bắc - Nam…) cũng đang rất chậm. Trong 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành địa phương mới chỉ “tiêu” được 16,36% kế hoạch vốn, thấp hơn mức 17,04% của cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 17 bộ, ngành chưa giải ngân được đồng nào. Giải ngân vốn ngoài nước chỉ xấp xỉ 4,4%. Điểm đặc biệt của năm nay là ngoài vốn đầu tư công theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các bộ, ngành, địa phương còn phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm vì thế hết sức nặng nề.

Sự chậm trễ cũng xảy ra trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào tháng 6.2020; phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững vào tháng 7.2021. Tuy vậy, phải đến tháng 4.2022, Chính phủ mới có Tờ trình Dự kiến phương án phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện 3 chương trình.

Hệ quả sự chậm trễ này gây ra không hề nhỏ. Chậm triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sẽ làm giảm hiệu quả, ý nghĩa và tính chất cấp bách của Chương trình, làm chậm tiến trình phục hồi của đất nước sau đại dịch. Chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn; làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách. Chậm giải ngân đầu tư công dẫn đến áp lực tăng bội chi rất lớn trong năm 2023 và theo sau đó rất có thể là những rủi ro vĩ mô - điều không một ai muốn.

Vì thế, vấn đề này cần được các đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ Ba. Không chỉ làm rõ nguyên nhân và giải pháp, Quốc hội cần xác lập trách nhiệm trong việc chậm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này. Có như vậy mới mong chữa được những căn bệnh đã trở thành “kinh niên”!

Cẩm Phô