Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững:

Nam Định: Mở hướng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển

- Thứ Bảy, 22/10/2022, 06:02 - Chia sẻ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được xác định là một trong những giải pháp then chốt để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, tháng 12.2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 118/UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, tỉnh đã lồng ghép các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương nhằm hỗ trợ đào tạo ngành nghề nông thôn, tập huấn cho lao động tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; vận dụng linh hoạt nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm. UBND tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương và các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình sản xuất rau an toàn theo định hướng hữu cơ
Mô hình sản xuất rau an toàn theo định hướng hữu cơ. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, nhằm mở hướng cho nông nghiệp hữu cơ phát triển; tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên đào tạo, tập huấn kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Cùng với hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các ngành chức năng, các địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để người tiêu dùng nhận biết, tin tưởng, tiếp cận sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ trên 120 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục, quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn được chứng nhận áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP); hỗ trợ 1 vùng nuôi ngao liên kết Lerger Farm với diện tích 500ha tại huyện Nghĩa Hưng, được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. Tính đến tháng 8.2022, tỉnh đã chứng nhận cho một doanh nghiệp trồng 2ha rau phù hợp theo yêu cầu của TCVN 11041-2:2017 (nông nghiệp hữu cơ); 2 cơ sở là trang trại chăn nuôi và 1 mô hình trồng lúa áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ tại huyện Trực Ninh.

Cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển

Thực hiện gieo cấy giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ, gia đình ông Nguyễn Văn Toán (thị trấn Ninh Cường) nhờ tuân thủ quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, bảo đảm năng suất, chất lượng, năng suất trung bình đạt 150kg/sào. So với trồng lúa truyền thống, năng suất lúa hữu cơ không chênh lệch nhiều, chi phí vật tư giảm, giá bán cao hơn 2 - 3 lần. Sản phẩm gạo hữu cơ với nhãn hiệu “Mộc Hương Tâm” có đầu ra ổn định, cung ứng cho các đại lý, cơ sở phân phối nông sản tại TP. Nam Định và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình...

Ông Nguyễn Văn Toán cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được ngành nông nghiệp, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nhất là người nông dân quan tâm, dần trở thành xu thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững hiện nay.

Trong quá trình sản xuất cho thấy, ngành nông nghiệp hữu cơ đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức cần được giải quyết như sản xuất nông nghiệp hữu cơ tương đối phức tạp, chi phí đầu tư lớn nhưng giá bán sản phẩm trên thị trường chưa chênh lệch nhiều so với sản phẩm thông thường nên khả năng thu lợi của người sản xuất không cao. Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng cao nên chưa thu hút được nguồn vốn xã hội hoá từ phía các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân và người tiêu dùng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, nước, xử lý nguồn xả thải tại các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa hoàn chỉnh. Nguồn nhân lực để chỉ đạo sản xuất hữu cơ và nguồn lao động am hiểu để sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang thiếu. Người tiêu dùng do điều kiện kinh tế nên còn giữ thói quen tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thực phẩm giá rẻ, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do giá thành sản xuất cao hơn nên khó tiêu thụ, lợi nhuận chưa cao.

Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng, Nhà nước, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét mở rộng hạn điền, tăng thời gian cho thuê đất, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người sản xuất.

______
(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Phan Phương