Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững:

Đẩy mạnh liên kết, tăng cường kiểm soát chất lượng

- Thứ Tư, 05/10/2022, 04:40 - Chia sẻ

Với mục tiêu nâng cao chất lượng bữa ăn cũng như sức khỏe người dân, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi, nhân rộng mô hình liên kết nhằm nâng cao giá trị nông, lâm, thủy sản, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hiệu quả từ chuỗi cung ứng an toàn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ, bình quân mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng gần 15.000ha rau xanh các loại, cung cấp cho thị trường trên 400.000 tấn/năm. Toàn tỉnh cũng có trên 1.300 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp; đã xây dựng được 33 hợp tác xã (HTX), 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn có liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với hơn 40 doanh nghiệp. Đây là cơ sở vững chắc để góp phần tạo chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, bảo đảm cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Phát triển thủy sản chất lượng, an toàn là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ
Phát triển thủy sản chất lượng, an toàn là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ

Tính đến nay, Phú Thọ đã xây dựng được 78 chuỗi cung ứng nông, lâm thủy sản an toàn, trong đó, cấp tỉnh triển khai 35 chuỗi, cấp huyện triển khai 15 chuỗi, cơ sở tự triển khai 28 chuỗi. Các chuỗi này đang hoạt động hiệu quả, điển hình là mô hình chuỗi liên kết, hợp tác giữa HTX chè Long Cốc với 20 hộ nông dân trồng chè an toàn trên diện tích 37,4ha ở xã Long Cốc (huyện Tân Sơn). Nhờ có sự hợp tác giữa các bên, mô hình đã bảo đảm được nguồn chè nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc HTX chè Long Cốc Phạm Thị Hạnh cho biết, việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX sẽ bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc. Mỗi hecta chè sản xuất liên kết hợp tác theo quy trình an toàn sẽ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/lứa, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống. Nhờ thực hiện liên kết chuỗi nên chất lượng và giá trị sản xuất chè được nâng cao, đời sống của các hộ dân ngày càng khấm khá. HTX chè Long Cốc đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Các loại chè được bán rộng rãi, tạo uy tín lớn trong tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh lân cận.

Để các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn hoạt động hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Phú Thọ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhờ đẩy mạnh liên kết, nhiều nông sản thực phẩm của tỉnh đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến với người tiêu dùng. Thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đẩy mạnh sự phối hợp các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để chia sẻ kinh nghiệm giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia liên kết, phát triển chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm an toàn, tăng thu nhập.

100% sản phẩm chuỗi được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường

Nhằm tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP); tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản,.. UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về “ bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022”.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu tiếp tục xây dựng và nhân rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm từ chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn. Từ đó, hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản có đăng ký kinh doanh được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Duy trì tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B đạt 98,5%. Đồng thời, tăng tỷ lệ các cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận “cơ sở đủ điều kiện ATTP ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn” lên 12% (6.060 cơ sở) so với năm 2021.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô 78 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn hiện có. Trong năm 2022, chỉ đạo xây dựng và phát triển thêm ít nhất 20 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm chủ lực của địa phương, chuỗi liên kết gắn với thực hiện Chương trình OCOP, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người cung ứng với thị trường tiêu thụ. 100% sản phẩm chuỗi được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường để bảo đảm bữa ăn an toàn cũng như sức khỏe người dân.

Rõ ràng, việc đẩy mạnh liên kết, tăng cường kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Phú Thọ đang là dấu hiệu rất tích cực nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, tăng thu nhập cho người nông dân.

________
(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản)

ĐÀO CẢNH