Bà Rịa - Vũng Tàu: Chương trình khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm

- Thứ Bảy, 03/12/2022, 10:33 - Chia sẻ

Năm 2022, chương trình khuyến công tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu đã tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), doanh nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Theo đó, đẩy mạnh hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới chất lượng cao, giá trị tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương. Đến nay, theo đánh giá các đề án hỗ trợ đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Đề án đúng tiến độ, kế hoạch đề ra

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm) cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch khuyến công 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, Sở Công thương đã xây dựng chương trình công tác trọng tâm năm 2022 và chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công tập trung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh để góp phần đẩy mạnh tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh.

Bà Rịa- Vũng Tàu tập trung giải pháp nâng cao chất lượng khuyến công
Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung giải pháp nâng cao chất lượng khuyến công

Năm 2022, Trung tâm được UBND tỉnh cấp kinh phí 5,2 tỷ đồng thực hiện 20 chương trình, nhiệm vụ khuyến công địa phương và tiết kiệm năng lượng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao, có giá trị tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hoạt động đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp không những giúp cho cơ sở CNNT chủ động về nguồn lao động có chất lượng mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn…

Bên cạnh việc ưu tiên phát triển sản phẩm CNNT gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từ đó, giúp các cơ sở CNNT, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng góp phần phát triển thị trường, tiêu thụ cho doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh địa phương.

Kết quả từ đầu năm đến nay, đã triển khai 2 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng và 21 nhiệm vụ đề án khuyến công địa phương. Hiện việc triển khai thực hiện các đề án đều theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, ngoài những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công vẫn còn điều chỉnh theo tình hình thực tế của các đơn vị thụ hưởng do các nguyên nhân về tài chính, thay đổi thông số kỹ thuật máy móc thiết bị và cả thời gian phê duyệt từ khi đăng ký đến khi thực hiện còn dài; ảnh hưởng đến tiến độ, nội dung hỗ trợ và tính khả thi của đề án. Các cơ sở CNNT chưa quan tâm nhiều tới xây dựng thương hiệu, đánh giá sản xuất sạch hơn và chưa thấy hết ý nghĩa của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Ngày càng nâng cao chất lượng khuyến công

Khẳng định các doanh nghiệp, cơ sở CNNT là đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công, đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Mặt khác, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT hầu hết là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, với quy mô và nguồn lực sản xuất kinh doanh nhỏ.

Do đó, không chỉ hướng đến hoàn thành mục tiêu trong năm 2022, với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng của công tác khuyến công, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đạt hiệu quả. Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công kiêm nhiệm ở cấp xã (Cộng tác viên khuyến công), đồng thời tăng cường phối hợp có hiệu quả hoạt động khuyến công ở các cấp các ngành.

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao năng lực của Trung tâm, đảm bảo thực hiện tốt chức năng phục vụ quản lý nhà nước về khuyến công trên địa bàn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công.

Tích cực hỗ trợ tư vấn trợ giúp cho các cơ sở CNNT như: Thiết kế, in ấn logo, băng rôn; tư vấn đăng ký doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp; đăng ký mã số mã vạch, đăng ký nhãn hiệu, đăng ký logo; hỗ trợ doanh nghiệp đăng thông tin quảng bá lên website, hỗ trợ địa điểm tập huấn,...

Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện hoạt động khuyến công; tăng cường công tác phối hợp khảo sát, lựa chọn các cơ sở doanh nghiệp có năng lực và có nhu cầu thực sự cần thiết để lập và xây dựng đề án khuyến công hỗ trợ phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, những đề án hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công hàng năm nhằm tăng sức lan tỏa của chính sách khuyến công, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Kết nối các Trung tâm khuyến công trong việc hỗ trợ các cơ sở CNNT mở rộng thị trường, phân phối sản phẩm ra các tỉnh. Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh bạn để trao đổi kinh nghiệm về hoạt động khuyến công, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để cùng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.

Trúc Oanh