Hòa Bình Group: Áp lực khoản phải thu “đè nặng” giấc mơ tỷ đô

- Chủ Nhật, 04/09/2022, 10:13 - Chia sẻ

Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Group; mã: HBC) trong những năm gần đây là một trong các doanh nghiệp xây lắp có quy mô lớn nhất thị trường. Bên cạnh các chỉ số tăng trưởng, chất lượng tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn.

Khoản phải thu hàng chục nghìn tỷ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 cho biết, tính tới ngày 30.6.2022, Tổng tài sản của HBC là 18.255 tỷ đồng, tăng 9,2% so với hồi đầu năm.

Nhìn lại thời điểm 31.12.2021, doanh thu của HBC đạt 11.355 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 102,9 tỷ đồng (bằng 0,9% doanh thu). Tới thời điểm 30.6.2022, hai chỉ số trên lũy kế lần lượt là 7.065 tỷ đồng và 60,8 tỷ đồng (bằng 0,86% doanh thu). So với kế hoạch kinh doanh năm 2022 mà HBC đặt ra với mức doanh thu cả năm là 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận là 350 tỷ đồng, việc thực hiện kế hoạch năm 2022 tới hết quý 2 mới đạt 40,37% doanh thu và 17,3% lợi nhuận.

Hòa Bình Group: Áp lực khoản phải thu “đè nặng” giấc mơ tỷ đô -0
Hoà Bình Group đang phải đối diện với các vấn đề về gia tăng khoản phải thu, nợ phải trả trong khi vốn chủ sở hữu giảm.

Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của HBC đó là tỷ lệ khoản phải thu ngắn hạn/tổng tài sản, thời điểm 1.1.2022 giá trị khoản phải thu ngắn hạn của HBC đạt mốc 11.538 tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng tài sản và 69,37 % tài sản ngắn hạn. Tới thời điểm 30.6.2022 giá trị khoản phải thu của HBC đã tăng lên 12.963 tỷ đồng, chiếm 71,01% tổng tài sản và 77,94% tài sản ngắn hạn.

Chất lượng khoản phải thu là vấn đề đáng quan tâm với HBC khi tới thời điểm 30.6.2022, HBC đã phải trích 378 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Trong trường hợp HBC không thể đảm bảo thu hồi các khoản phải thu đúng hạn sẽ là áp lực lớn lên hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh của tập đoàn.

Vốn chủ sở hữu giảm, nợ phải trả tăng

Nguồn vốn tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp là nguồn vốn vay ngắn hạn, thời điểm 31.12.2021 nợ ngắn hạn của HBC đạt 11.664 tỷ đồng chiếm 70,36% tổng nguồn vốn. Tới thời điểm 30.6.2022 nợ ngắn hạn đã đạt mức 12.864 tỷ đồng chiếm 70,47% tổng nguồn vốn. Trong khi nguồn vốn chủ sở hữu chỉ đạt 4.056 tỷ đồng thời điểm 31.12.2021 và giảm xuống 3.823 tỷ đồng thời điểm 30.6.2022.

Tính riêng năm quý gần đây, nguồn vốn chủ sở hữu của HBC giảm. Trong khi đó, nợ phải trả liên tục tăng, từ mức 11.942 tỷ đồng quý 2/2021 lên 14.432 tỷ đồng ở quý 2/2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HBC là 3,77 lần.

Cuối quý 2, dòng tiền hoạt động kinh doanh của HBC âm 1364 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 691 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh của Hòa Bình Group âm là do các khoản phải thu tăng từ 292 tỷ đồng lên 1350 tỷ đồng. Dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của HBC cũng âm tới 200 tỷ đồng, trong khi quý 2/2021 vẫn dương 20 tỷ đồng. Việc dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm khiến HBC phụ thuộc vào dòng tiền tài chính. Đồng thời, nếu tình trạng này kéo dài sẽ bào mòn lợi nhuận và đe doạ khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 24.8 vừa qua, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoà Bình Group đã nêu tham vọng tới năm 2032 doanh thu của HBC đạt mốc 19 tỷ USD (tương đương 437.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, với tình hình tài chính hiện tại, cũng như hiệu quả hoạt động thời gian qua, có lẽ HBC và bản thân ông Lê Viết Hải còn nhiều việc phải làm để ổn định tình hình tài chính trước khi nghĩ đến các mục tiêu xa hơn.

Gia Hân - Lê Lương
#