Giáo dục

Những chính sách giáo dục "hợp lòng dân" được thảo luận nhiều nhất tuần qua

Trang Nhung (Tổng hợp) 25/05/2025 12:54

Hướng tới phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi; Hỗ trợ học phí cho người học tại cơ sở giáo dục dân lập; Đề xuất phân quyền cơ sở giáo dục phổ thông sau sáp nhập, 5 chính sách đột phá dự kiến đưa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi... là những chính sách giáo dục quan trọng trong tuần qua.

Bảo đảm các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo

Sáng 22/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Nghị quyết áp dụng đối với người học là trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

screenshot1746597825-17465978742632088961938.jpeg
Đề xuất phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi

Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo; bảo đảm trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY

Hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập

Sáng 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập; trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, ngoài đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ, không phải đóng học phí đã được pháp luật quy định, Nghị quyết bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

z6607552766781_670935d941afe333abc20363164fea9b.jpg
Hỗ trợ học phí cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Ảnh: Quốc Việt

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trẻ em mầm non 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, tư thục, học sinh tiểu học ở các trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh trung học cơ sở tại các cơ sở tư thục đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng học phí.

Việc quy định hỗ trợ cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY.

Chuyển toàn bộ thẩm quyền tổ chức cơ sở giáo dục phổ thông về UBND cấp xã

Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ GD-ĐT về dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề xuất phân cấp lên Sở GD-ĐT 36 nội dung (chiếm 52%); đề xuất chuyển 33 nội dung về UBND cấp xã (chiếm 48%).

Về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT đề xuất giao Sở GD-ĐT toàn quyền quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, đánh giá, điều động - thống nhất toàn tỉnh.

Đề xuất chuyển toàn bộ thẩm quyền tổ chức lại cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, THCS), mầm non và các mô hình giáo dục cộng đồng về UBND cấp xã, bao gồm quyền thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ, giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình.

z6362582961382_e9b170d3a275d62bf216b5596bd11f28.jpg
Bộ GD-ĐT đề xuất chuyển toàn bộ thẩm quyền tổ chức cơ sở giáo dục phổ thông về UBND cấp xã

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất chuyển thẩm quyền phê duyệt các chương trình giáo dục tích hợp nước ngoài và cấp phép tổ chức thi ngoại ngữ quốc tế từ bộ về chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc giám đốc Sở GD-ĐT. Cho phép chủ tịch tỉnh quyết định thành lập văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Bộ GD-ĐT, các đề xuất này trên cơ sở phân tích kỹ năng lực quản lý, yêu cầu thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng, không chia cắt chuyên môn.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY.

5 chính sách đột phá dự kiến đưa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi

Bộ GD-ĐT vừa thông tin về 5 chính sách đột phá dự kiến sẽ được xây dựng và thể chế hóa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), bao gồm: Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Bộ GD-ĐT khẳng định, các chính sách mới trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Với các trọng tâm đổi mới hệ thống, chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp cũng như phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY.

nghe-17313879714731904795534.jpg
Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) dự kiến có nhiều chính sách đột phá

Giải pháp nào để cải tiến mô hình đại học hai cấp?

Tại tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) do Bộ GD-ĐT tổ chức, các đại biểu cho rằng, nếu nghiên cứu bỏ đại học quốc gia và đại học vùng thì đây sẽ là đột phá và là tính mới của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).

Theo đại biểu, hiện nay, về mặt quản lý Nhà nước, mô hình đại học 2 cấp khiến các trường đại học thành viên rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”, trái với nguyên tắc tự chủ đại học. Nếu xác định các trường thành viên là cơ sở giáo dục đại học, cần để họ tự chủ như các trường độc lập khác để có thể tự chủ, phát triển tốt hơn.

Một số ý kiến khác cho rằng, với những người làm công tác chuyên môn, khó khăn nhất của mô hình đại học 2 cấp không phải về mặt quản lý, mà khi làm việc với đối tác nước ngoài, gặp khó khăn trong việc giải thích “trường đại học trong đại học” là gì. Đa số đại biểu đồng thuận, mô hình đại học hai cấp đang gặp vướng mắc và phải rà soát.

Trả lời về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng đây là những bất cập của mô hình đại học hai cấp, không phải chuyện bỏ đại học quốc gia và đại học vùng.

Đại học quốc gia và đại học vùng là những đơn vị được Nhà nước quản lý theo sứ mạng, có sứ mạng riêng, vị thế riêng, là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY.

8c3e03a526b5e0ebb9a4-1667530240697862794478.jpeg
Đại học Quốc gia Hà Nội

Bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích cho học sinh, sinh viên

Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đến các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp về việc tăng cường hoạt động quản lý, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong dịp hè năm 2025.

Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh việc các hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp hè cần được diễn ra bình thường, không bị gián đoạn. Hoạt động hè đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Với học sinh phổ thông, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn phối hợp với ngành giáo dục triển khai các hoạt động sinh hoạt hè dành cho trẻ em, học sinh, học viên giáo dục thường xuyên tại địa phương.

Đồng thời, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh,...

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT yêu cầu tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện; khuyến khích các trường phối hợp triển khai phong trào "Bình dân học vụ số"; tổ chức các chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm công nghệ cao, phòng chống ma túy, an toàn giao thông,... cho sinh viên.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY.

viewimage.jpg
Bộ GD-ĐT yêu cầu bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích cho học sinh và sinh viên

Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 300 ứng viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phê duyệt chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học giai đoạn 2026-2031. Chương trình nhằm đào tạo nguồn giảng viên, nhà khoa học kế cận có chất lượng cao trong tương lai.

Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển chọn khoảng 300 ứng viên để đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo lộ trình trở thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao của trường trong tương lai.

Đối tượng tuyển chọn là học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, có tài năng và đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Các ứng viên cũng được tài trợ một phần hoặc toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, thực tập, học tập và nghiên cứu trong và ngoài nước; được hỗ trợ học ngoại ngữ, hỗ trợ chỗ ở trong thời gian học tập, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, đối tác của Đại học Quốc gia Hà Nội ở trong và ngoài nước.

Ứng viên trúng tuyển sẽ được ký hợp đồng đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên nguồn hoặc hợp đồng lao động của trường và được gửi đi đào tạo tại các trường đại học đối tác ở Nga, Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Sau khi hoàn thành chương trình, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, ứng viên được tuyển dụng chính thức vào vị trí giảng viên, nghiên cứu viên tại các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nội dung chi tiết bài viết xem TẠI ĐÂY.

Trang Nhung (Tổng hợp)