6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng

Nguyễn Liên 08/08/2023 16:16

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 6 cơ sở giáo dục đại học có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong đó, cơ sở giáo dục đại học công lập gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng;  khối tư thục là Trường Đại học FPT và Trường Đại học Văn Lang. 

Con số này được trích từ đề án tuyển sinh, ba công khai của các trường đại học công bố trên website trường năm 2022 và 2023, dựa trên doanh thu của các trường một năm trước đó.

Theo đó, tổng nguồn thu hợp pháp của Trường Đại học Văn Lang năm 2022 là 1.758 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của trường này là 30 triệu đồng.

Năm 2022, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh có tổng nguồn thu hợp pháp hơn 1.189 tỷ đồng/năm, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm khoảng 30 triệu đồng.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tổng nguồn thu hợp pháp năm 2022 là 1.061 tỷ đồng, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm khoảng 38.2 triệu đồng.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tổng nguồn thu hợp pháp là hơn 1.051 tỷ đồng trong năm 2022, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm (chương trình tiêu chuẩn) khoảng 18.69 triệu đồng.

Với Đại học Bách khoa Hà Nội, theo báo cáo Công khai tài chính năm học 2021-2022, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2021 là trên 1.050 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (122.8 tỷ đồng); học phí (776.6 tỷ đồng); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (12.5 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (138.7 tỷ đồng). Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của Đại học Bách khoa Hà Nội là 25 triệu đồng.

Còn theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học FPT, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 1.292 tỷ đồng, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm là 64 triệu đồng.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT năm 2022, cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Hiện có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên.

Bộ GD-ĐT đánh giá tổng thu của các trường đa phần tăng lên trong giai đoạn 2018-2021, tổng thu ngoài Ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.

Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm chiếm 26,2%; trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021. Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).

Theo báo cáo của đội ngũ chuyên gia Ngân hàng thế giới (World Bank), học phí đã trở thành nguồn thu lớn nhất cho các trường đại học công lập và đã tăng tỷ trọng một cách đáng kể.

Dữ liệu từ một cuộc khảo sát đại học do Bộ GD-ĐT giao thực hiện năm 2018 cho thấy phân bổ ngân sách/trợ cấp của Chính phủ chỉ chiếm 22% tổng nguồn thu của các trường đại học năm 2017. Học phí chiếm 55% tổng nguồn thu và 23% còn lại đến từ các nguồn khác (như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kinh doanh, dịch vụ đào tạo, các khoản quyên tặng).

Đầu năm 2023, báo cáo tại một hội thảo về Tự chủ đại học, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết thống kê năm 2021, hộ gia đình đóng góp đến 77% còn ngân sách chỉ chiếm 9% trong tổng thu của các trường đại học.

Nguyễn Liên