Bài cuối: Trái ngọt từ sự tận tụy

Bình Nhi 23/09/2022 06:20

Sự tận tâm, tận lực trong thực thi nhiệm vụ của các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Sóc Trăng không chỉ là cây cầu kết nối Dân - Chính - Đảng; biến các chính sách tín dụng thành công cụ trụ cột trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của chính quyền địa phương; mà còn tạo niềm tin của nhân dân vào chế độ. Chính sự tận tâm, tận lực đó đã khiến vùng đất đầy rẫy khó khăn của Tây Nam bộ khởi sắc từng ngày; đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số thay đổi ngoạn mục…

Bớt cảnh tha hương

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế cũng như mọi thành phần trong xã hội, nhất là đối với người nghèo. Tuy nhiên, với nhiều người lại là một cơ may thay đổi cuộc đời. Anh Kiêm Thanh Sang, dân tộc Khmer ở ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng là một ví dụ!

Anh Sang chia sẻ, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, anh và nhóm bạn bè trở về từ TP. Hồ Chí Minh với vài đồng bạc lẻ cuối cùng. Kinh tế gia đình gần như tay trắng khi thu nhập dành dụm nhiều năm đã vơi cạn vì nuôi mẹ đau ốm nhiều năm. Tài sản còn lại là căn nhà mà Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo từ năm 2008 theo Quyết định 167/QĐ-TTg. Dù biết làm đồ sắt, biết nghề lái xe… nhưng ngặt nỗi không còn chút vốn liếng nào nên vợ chồng anh Sang không biết xoay sở làm sao.

“Và rồi, cuộc gặp gỡ với cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Trần Đề Phạm Văn Nhất đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi” - anh Sang xúc động kể.

Nhận nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo hồi hương sau đại dịch Covid-19, anh Sang mở tiệm làm sắt nho nhỏ, kinh nghiệm tay nghề làm sắt cao trên thành phố đã dần giúp anh tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Dần dà, công việc nhiều, anh thuê thêm thợ và năm 2021, anh tiếp tục vay vốn NHCSXH thêm 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Đến nay, ngoài thu nhập ổn định hơn chục triệu đồng/tháng, anh còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập từ 250 - 350 nghìn đồng/ngày. So với lương làm thuê trước đây, giờ thu nhập gấp đôi trước, lại không phải lo thuê nhà, được gần vợ con… anh Sang quyết định ở tại quê hương để lập nghiệp. Anh cũng ấp ủ vay thêm vốn NHCSXH để mua thêm thiết bị máy móc, lập thương hiệu sản phẩm cho riêng mình và tạo thêm việc làm cho người dân nghèo như anh.

“Nếu được vay thêm vốn, Sang nhất định sẽ thành công bởi sản phẩm của Sang có chất lượng tốt, giá hợp lý và quan trọng là thị trường còn tiềm năng lắm!” - ông Châu Thanh Tâm, một công nhân làm việc tại cơ sở của anh Kiêm Thanh Sang tiếp lời. Ông Châu Thanh Tâm cho biết, bản thân ông và hơn 2/3 số công nhân ở đây cũng đã từng nhiều năm làm ăn xa quê, nay trở về và được vào làm việc tại cơ sở của anh Sang; có thu nhập ổn định; mức lương đủ sống và quan trọng hơn là được gần gũi gia đình nên không còn gì mong đợi hơn.

Ảnh: Từ nguồn vốn vay ưu đãi, con cháu ông Lâm Tiếp ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã phát huy nghề truyền thống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người. Ảnh: Đức Kiên
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, con cháu ông Lâm Tiếp ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã phát huy nghề truyền thống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người
 Ảnh: Đức Kiên

Tạo việc làm và thu nhập ổn định

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ trên 95 tỷ đồng đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 662.000 lượt hộ vay vốn, với doanh số cho vay đạt trên 10.673 tỷ đồng. Nguồn vốn giúp gần 138.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 38.000 lao động; giúp hơn 50.000 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; trên 148.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, với 30.000 ngôi nhà được sửa chữa, cải tạo...

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự đã mang lại cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách ở Sóc Trăng những thay đổi lớn từ nhận thức đến hành động. Người dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã biết trân trọng từng đồng vốn, nỗ lực phát huy hiệu quả và làm gia tăng giá trị đồng vốn lên nhiều lần. Nhờ đó, danh sách hộ nghèo ngày một ngắn lại; xã hội ngày càng ổn định; quê hương khởi sắc và niềm tin trong nhân dân vào chế độ ngày càng được củng cố.

Thăm gia đình ông Lâm Tiếp ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành mới thấy, vốn tín dụng chính sách đã thay đổi cuộc đời của cả đại gia đình này ra sao. Trước năm 2007, gia đình ông Lâm Tiếp thuộc diện nghèo khó thậm chí là thiếu ăn khi chưa khôi phục nghề truyền thống đan lát của làng. Cùng năm đó, ông Lâm Tiếp quyết tâm vay vốn NHCSXH để làm lại nghề truyền thống. Đến năm 2017, khi đã trở thành 1 nghệ nhân ưu tú về đan lát đồ thủ công mỹ nghệ, các mối hàng dần nhiều, ông Lâm Tiếp ấp ủ giấc mơ mở rộng quy mô sản xuất khôi phục lại làng nghề truyền thống.

Một lần nữa, ông được NHCSXH huyện Châu Thành cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mua nguyên liệu, mở rộng mô hình sản xuất, tạo việc làm cho các con trong gia đình và lao động tại địa phương. Đến nay, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng “nhìn thấy con cháu, người làng mình sống sung túc với nghề, không phải tha hương, tôi mừng lắm…” - Nghệ nhân Lâm Tiếp vui mừng nói.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp thanh niên Trần Sang, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề trở thành một trong những hình mẫu của thanh niên trong huyện. Thông qua sự bảo lãnh của Đoàn thanh niên huyện và Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Quốc Trung, vợ chồng anh Sang đã tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Trần Đề, đầu tư nuôi heo nái, heo giống… và mỗi năm, nguồn vốn vi mô đã sinh lời cho gia đình anh Sang trên 200 triệu đồng.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH Sóc Trăng Trịnh Thị Bích Tuyền, giờ Sóc Trăng không thiếu những tấm gương điển hình như anh Kiêm Thanh Sang, Trần Sang hay gia đình Nghệ nhân Lâm Tiếp. Điều đó được thể hiện ở tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Chi nhánh đạt trên 4.299 tỷ đồng - đứng thứ hai trong khu vực; với gần 151.000 hộ còn dư nợ. Tuy nhiên, con đường giảm nghèo bền vững của Sóc Trăng còn không ít gian nan khi toàn tỉnh vẫn còn 22.120 hộ nghèo (tỷ lệ 6,64%), 29.403 hộ cận nghèo (tỷ lệ 8,83%).

Do đó thời gian tới, Chi nhánh sẽ bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Đồng thời, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ưu tiên cho vay đồng bào DTTS và vùng đặc biệt khó khăn để giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững mà tỉnh đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; giảm tỷ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm; đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh lên 75 triệu đồng/người/năm vào cuối nhiệm kỳ.

Bình Nhi