Ngân hàng Chính sách Xã hội Sóc Trăng 20 năm đồng hành với người nghèo

Bài 1: Đảo chiều ngoạn mục cả về chất và lượng

- Thứ Tư, 21/09/2022, 06:37 - Chia sẻ

Nếu 10 năm trở về trước, việc thực hiện tín dụng chính sách tại các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng được liệt vào hàng yếu kém thì nay, chất lượng tín dụng của địa phương này đã có sự đảo chiều ngoạn mục. Kết quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, nhân dân và đặc biệt là của chính đội ngũ những người làm công tác tín dụng chính sách…

Làm mới mình để phục vụ tốt hơn!

​​Cùng một chính sách, cùng một chủ thể thực hiện nhưng mỗi vùng miền sẽ cho những kết quả khác nhau do phụ thuộc và nhiều yếu tố khách quan khác nhau. Song, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tận tâm, tận lực đưa các chính sách tín dụng ưu đãi đến tận tay đồng bào; coi đồng bào như người thân của mình để hỗ trợ, giúp đỡ… có như vậy đồng vốn mới trọn vẹn ý nghĩa là công cụ giảm nghèo hiệu quả của chính quyền; là chính sách nhân văn của chế độ.

 Giám đốc NHCSXH Sóc Trăng Trần Duy Đông

Năm 2012 là thời điểm “đen tối” nhất của hoạt động tín dụng chính sách tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Khi đó, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ ra đời, được xem là cú hích trong việc xử lý những tồn tại, yếu kém của cả vùng nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Như chia sẻ của TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Khóa XIV thì đây là cách NHCSXH tự thay đổi, làm mới mình để phục vụ người nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách tốt hơn.

Đến hết 31.12.2016, sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ, đã giúp trên 2,350 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Đề án với những giải pháp đồng bộ đã tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực sau 5 năm tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, so với tổng thể kết quả của toàn hệ thống NHCSXH thì con số này vẫn khá khiêm tốn.

Đơn cử, năm 2016, tổng dư nợ của NHCSXH là 157.000 tỷ đồng, nhưng riêng Tây Nam Bộ chỉ đạt 28.000 tỷ đồng. Cả nước có 30 triệu lượt hộ tiếp nhận chương trình nhưng vùng Tây Nam Bộ chỉ có khoảng 2,4 triệu lượt hộ tiếp cận. Đáng chú ý, Sóc Trăng là một trong điểm lõi về chất lượng của Tây Nam Bộ trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Theo ông Trần Duy Đông, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, trước tình hình trên và với mục tiêu thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chính trị, tháng 9.2018, NHCSXH đã thành lập Ban Chỉ đạo Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại Chi nhánh tỉnh. Cùng với đó, tự bản thân mỗi cán bộ, người lao động trong Chi nhánh ý thức rõ việc thực hiện tốt các chính sách tín dụng không chỉ là nhiệm vụ sống còn của bản thân, của Chi nhánh mà sâu xa hơn còn là nhiệm vụ chính trị, nhân văn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, chất lượng hoạt động và chất lượng tín dụng đã được nâng lên rõ rệt. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 54,4 tỷ đồng so với ngày 30.9.2018; doanh số cho vay đạt gần 3,6 nghìn tỷ đồng, với trên 122 nghìn khách hàng được vay vốn, mức cho vay bình quân 31 triệu đồng/hộ.

Không chỉ chuyển vốn kịp thời, cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng còn đôn đốc, xử lý kịp thời vướng mắc, giúp bà con yên tâm sản xuất
Không chỉ chuyển vốn kịp thời, cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng còn đôn đốc, xử lý kịp thời vướng mắc, giúp bà con yên tâm sản xuất

Cộng đồng trách nhiệm… vì người nghèo

Nếu Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đề án luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương để  “học việc” thì NHCSXH cũng có chính sách tăng cường cán bộ từ Hội sở chính về chi nhánh các địa phương để cùng các đồng nghiệp mau chóng đưa chính sách tín dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Theo đó, bằng các kinh nghiệm đã thu hái, đúc kết từ nhiều năm, nhiều vị trí, nhiều địa bàn công tác, các cán bộ tăng cường đã thực sự thổi làn gió mới tới các vùng, miền còn hạn chế về chất lượng cũng như hoạt động tín dụng; giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được kịp thời thụ hưởng đầy đủ các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Giám đốc Trần Duy Đông là một ví dụ!

Được biết, trước khi về đảm nhận vị trí Giám đốc NHCSXH Sóc Trăng, ông Trần Duy Đông đã từng làm Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Lào Cai - địa bàn đã từng có thời kỳ rất khó khăn cả về chất và lượng tín dụng của vùng cao Tây Bắc; nay đã vươn lên trở thành địa phương có chất lượng tín dụng trong top đầu của hệ thống. Tiếp đó, ông đã từng về làm tại Ban Kiểm soát nội bộ của Hội sở chính. Với bề dày kinh nghiệm từ thực tiễn địa phương và công tác quản lý ở Trung ương đã giúp ông đưa hoạt động tín dụng chính sách Sóc Trăng đi vào hiệu quả hơn; kịp thời chuyển tải và khích lệ động viên các đối tượng chính sách dám vay, dám làm, dám chịu trách nhiệm với khoản vay để từ đó tự lực, tự cường vươn lên.

Ông Trần Duy Đông chia sẻ, Sóc Trăng là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nơi có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên 35%, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương cùng với tăng trưởng tín dụng, công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng là nhiệm vụ hết sức quan trọng được quan tâm. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng được tăng cường hỗ trợ 52 cán bộ có kinh nghiệm từ NHCSXH trung ương, để hỗ trợ thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng. Đến nay, đã hoàn thành toàn diện 5/5 chỉ tiêu chất lượng được giao và NHCSXH trung ương rút 28 cán bộ tăng cường trở về đơn vị. 24 cán bộ tăng cường còn lại tiếp tục công tác xây dựng và tổ chức thực hiện những mục tiêu nâng cao về chất lượng tín dụng giai đoạn 2 (2021 - 2023). Nhờ giải pháp này, hoạt động tín dụng của Chi nhánh đã có sự vượt trội so với thời điểm trước đây. Cụ thể, đến hết năm 2021, tổng dư nợ đạt 3.978 tỷ đồng, tăng 739 tỷ đồng so với 30.9.2018, tỷ lệ nợ quá hạn 1,39%, giảm 3,18% so với 30.9.2018; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt 83,44%, tăng 27,62% so với 30.9.2018; tỷ lệ thu lãi đạt 101,39%, tăng 6,46% so với 30.9.2018.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm chính trị và chia sẻ với địa phương, NHCSXH Việt Nam và các chi nhánh tăng cường đã thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng 10 cây cầu sinh dân tại Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Châu Thành, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Kế Sách và Cù Lao Dung. Với kết quả trên cho thấy công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng và những công sức của cán bộ tăng cường đã sát cánh cùng cán bộ địa phương, làm nên những thay đổi lớn nhận thức cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại tỉnh Sóc Trăng.

Bình Nhi