Bãi bỏ Thượng viện?
Việc bãi bỏ Thượng viện Canada đã được nhắc đến vài lần trong lịch sử phát triển của cơ quan này, như vào cuối thế kỷ XIX một nhà sử học đồng thời là nhà báo đã nêu lên vấn đề; hoặc một số phong trào theo xu hướng XHCN đã đưa nó vào chương trình hành động. Bản thân Thượng viện Canada năm 1906 cũng đã tranh luận nhiều về khả năng có thể bãi bỏ chính mình. Còn vào năm 1978, dự luật số C-60 đã được trình ra hạ viện đề xuất bãi bỏ Thượng viện và thay thế bằng Viện Liên bang với ít quyền hạn lập pháp hơn, các thành viên được bổ nhiệm với sự tham gia sâu hơn của các tỉnh. Tòa án Tối cao Canada ra phán quyết, Hiến pháp không cho phép thay đổi cấu trúc hoạt động làm luật, trong đó Thượng viện là một phần hữu cơ. Tòa cũng lưu ý, việc bãi bỏ Thượng viện là trái với thỏa thuận hợp đồng giữa các tỉnh từ ngày thành lập liên bang, đòi hỏi phải có một khế ước hoàn toàn mới về các cơ quan liên bang.
![]() |
Hai phe ủng hộ và phản đối việc bãi bỏ Thượng viện đưa ra các lập luận đối chọi nhau, cùng về một yếu tố nhưng cách giải thích, lập luận khác hẳn nhau. Những người ủng hộ việc bãi bỏ Thượng viện ở Canada cho rằng, Thượng viện không do bầu cử mà có, cho nên thiếu tính hợp lệ dân chủ, công chúng không ràng buộc được trách nhiệm đối với các thượng nghị sỹ. Các thượng nghị sỹ được bổ nhiệm không phải để phục vụ người dân Canada, mà nhiều khi nhờ nhận được sự ưu ái từ đảng của thủ tướng nên quan tâm đến gây dựng mối quan hệ với đảng này hơn. Quy trình bổ nhiệm thường dẫn đến sự hình thành của một Thượng viện với những thành viên già và giàu, chủ yếu là đàn ông, có xu hướng nghiêng về đảng của chính phủ, rất ít đại diện của các đảng nhỏ. Thượng viện do bổ nhiệm không bảo vệ được quyền lợi của các tỉnh như ý đồ ban đầu của các nhà sáng lập, và cũng không thoát được ảnh hưởng của các đảng trong hoạt động của mình như được kỳ vọng.
![]() |