Bài 1:

Sendo do FPT sáng lập rao bán công khai mặt hàng do chính mình tuyên bố "bị cấm"

- Thứ Tư, 15/03/2023, 13:40 - Chia sẻ

Đưa ra quy định cụ thể về các mặt hàng không được đưa lên sàn thương mại điện tử của mình nhưng các gian hàng của Sendo lại đang ngang nhiên rao bán thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng trong thuốc lá và thức uống có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên... 

Kinh doanh hàng "bị cấm"

Tại công văn số 3353/TCHQ-GSQL năm 2022 Tổng cục Hải quan, công văn số 1173/BCT-XNK của Bộ Công Thương đã nêu rõ, mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS và tương tự chưa được nhập khẩu vào Việt Nam. 

Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu mặt hàng này. Như vậy cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài nếu muốn nhập khẩu thuốc lá điện tử phải phối hợp với VINATABA để thực hiện các thủ tục nhập khẩu.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử với đa dạng mẫu mã, giá tiền từ thấp đến cao đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Thuốc lá điện tử tạo khói mà người dùng hít vào phổi bằng cách đốt nóng dịch lỏng có chứa nicotin (chất gây nghiện). 

Sàn TMĐT Sendo rao bán công khai mặt hàng chưa được phép nhập khẩu  -0
Sản phẩm thuốc lá điện tử với đa dạng mẫu mã, mức giá được đăng bán bất chấp quy định cấm của sàn TMĐT Sendo.

Thực tế cho thấy, để mua sản phẩm thuốc lá điện tử không khó, người dùng có thể dễ dàng mua trên các website hay sàn TMĐT. Cụ thể, trên sàn TMĐT Sendo, mặt hàng này đang được rao bán công khai với mức giá từ 100.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng.

Trên website và ứng dụng của sàn TMĐT Sendo, chỉ với một từ khoá "thuốc lá điện tử" và xác nhận người dùng trên 18 tuổi, người dùng sẽ nhận được vô số kết quả liên quan. Đáng chú ý, khi bấm vào những hình ảnh quảng cáo sản phẩm này, phần lớn người dùng không nhận được thông tin chi tiết về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm hay cảnh báo người dùng nếu có tác dụng phụ khi sử dụng. 

Bên cạnh đó, một số sản phẩm có ghi nguồn gốc xuất xứ tại Đức. Tuy nhiên, không có thêm bất cứ thông tin nào khác chứng minh sản phẩm của người bán có hoá đơn chứng từ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hay đã qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng về việc nhập khẩu và phân phối mặt hàng này tại thị trường trong nước. 

Theo tìm hiểu của Báo Đại biểu Nhân dân, các mặt hàng nêu trên đều nhập lậu, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu, mặt hàng thuốc lá điện tử nằm trong danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh (Ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ) trên sàn TMĐT Sendo. 

Sàn TMĐT Sendo rao bán công khai mặt hàng chưa được phép nhập khẩu  -0
Sàn TMĐT Sendo rao bán công khai mặt hàng chưa được phép nhập khẩu  -1
Quy định cấm đối với thức uống có cồn, thuốc lá điện tử, máy ghi âm nguỵ trang trên sàn TMĐT Sendo.

Đáng chú ý, trong danh mục trên, Sendo có quy định cấm với "Các loại thức uống có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên không được phép quảng cáo, đăng bán trên Sendo". Tuy nhiên, trên sàn TMĐT Sendo, mặt hàng đồ uống có nồng độ cồn từ 15 độ trở nên vẫn được rao bán. Có thể kể đến như sản phẩm rượu vang Ý 1922 Primitivo có nồng độ cồn 17 độ. 

Sàn TMĐT Sendo rao bán công khai mặt hàng chưa được phép nhập khẩu  -0
Sàn TMĐT Sendo rao bán công khai mặt hàng chưa được phép nhập khẩu  -1
Rượu vang Ý 1922 Primitivo có nồng độ 17 độ và máy ghi âm giấu kín vẫn ngang nhiên được rao bán trên sàn TMĐT Sendo.

Phía Sendo cho biết, các sản phẩm thuộc danh mục cấm đã được Sendo kiểm duyệt và gỡ bỏ khi người bán đưa lên sàn TMĐT Sendo.vn. 100% người mua click vào kết quả hiển thị trên trang tìm kiếm sẽ không mua được sản phẩm. 

Sendo đã thực hiện phần kiểm duyệt đăng bán các sản phẩm trong danh mục cấm. Tuy nhiên, do người bán dùng những từ khóa để lách luật mà máy không đo được hết nên các sản phẩm này vẫn bị hiển thị trên kết quả tìm kiếm. 

Sendo đã và đang tiếp tục rà soát để có thể gỡ bỏ hoàn toàn phần hiển thị của các sản phẩm thuộc danh mục cấm xuất hiện trên kết quả tìm kiếm. 

Công khai bán thiết bị ghi âm ngụy trang 

Ngoài ra, sàn TMĐT Sendo còn có đăng bán sản phẩm máy ghi âm nguỵ trang giấu kín hình chìa khoá bất chấp quy định tại điều 19 khoản 2 tại danh mục hàng hoá cấm kinh doanh trên sàn. Quy định này được áp dụng dựa trên nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 19/05/2017 của Chính phủ, cơ quan quản lý là Bộ Công an. 

Giống với những sàn TMĐT hay các nền tảng mạng xã hội khác, mặc dù đề ra những chính sách nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng Sendo vẫn để tình trạng hàng hoá chưa được phép nhập khẩu vào thị trường trong nước, hàng cấm kinh doanh được lưu thông trên sàn diễn ra trong suốt thời gian dài. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Sendo có đang "cố tình" buông lỏng cho các gian hàng nhằm trục lợi tăng doanh thu từ rủi ro của người dùng? Việc Sendo đề ra những quy định chặt chẽ dựa trên các văn bản pháp lý của cơ quan nhà nước nhưng các sản phẩm bị cấm liên tục được đăng bán đã vô hình chung gây ra khó khăn cho việc giám sát, kiểm tra hàng hoá không đảm bảo chất lượng của cơ quan chức năng. 

* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin liên quan đến công tác xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng cấm trên sàn thương mại điện tử Sendo  của cơ quan chức năng tới bạn đọc và cử tri cả nước.

Lý Yên
#