Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô

Khơi thông điểm nghẽn để vươn xa

- Chủ Nhật, 27/11/2022, 07:10 - Chia sẻ

Việc chưa làm chủ các công nghệ cốt lõi, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu linh phụ kiện khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam mặc dù đã có sự phát triển nhưng mới chỉ tham gia được vào phân khúc thấp trong chuỗi giá trị ngành ô tô.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Khoảng 20.000 - 30.000 chi tiết linh kiện được sử dụng trên một chiếc ô tô, tuy nhiên ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam mới chỉ sản xuất được tổng cộng hơn 200 chi tiết và cụm chi tiết. Có thể nhận thấy, đây là một con số rất khiêm tốn trong gần 30 năm phát triển của ngành ô tô trong nước. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được những sản phẩm đơn giản như băng keo dán kính chắn gió, nhãn tiêu thụ năng lượng, tem đăng kiểm, tem nhiên liệu, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp không săm, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và danh sách này không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 80% linh kiện phục vụ sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu dẫn tới việc chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 - 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Đơn cử như chiếc nắp bình xăng, một bộ phận rất nhỏ của xe ô tô, chi phí sản xuất ở Việt Nam là 2,5 USD sau nhiều lần thương thảo, còn tại Thái Lan chỉ 1,5 USD. Ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp lắp ráp ô tô buộc phải nhập khẩu chi tiết này. Số lượng nhà cung cấp cấp 1 ở Việt Nam hiện nay chưa đến 100 đơn vị, bằng 1/7 so với Thái Lan; Thái Lan cũng có gần 1.700 nhà cung cấp cấp 2, gấp hơn 10 lần so với Việt Nam hiện nay theo thống kê của Bộ Công thương. Cục Công nghiệp Bộ Công thương cũng chỉ ra quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia…

Tỷ lệ nội địa hoá công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở mức thấp
Tỷ lệ nội địa hoá công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở mức thấp
Nguồn: ITN

Giải bài toán dung lượng thị trường và chi phí sản xuất

Thống kê cho thấy với quy mô cả xe du lịch và xe thương mại khoảng 400.000 xe/năm sẽ rất khó để có thể đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ bởi dung lượng thị trường là vấn đề quan trọng hàng đầu của ngành này. Dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu cũng như chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực đang là hai điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Khi giải quyết được 2 điểm nghẽn này, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, các FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước đối mặt với sức cạnh tranh không nhỏ từ nước ngoài, vì vậy nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách thúc đẩy nội địa hóa chính sách ưu đãi nhập khẩu linh kiện cần gia hạn và duy trì trong thời gian tới, tạo động lực cho doanh nghiệp lắp ráp ô tô; bổ sung mặt hàng ô tô vào danh mục khuyến khích sản xuất, từ đó nâng tầm công nghiệp ô tô.

Mặc dù đang đối mặt với nhiều thách thức, ngành CNHT ô tô trong nước cũng đã xuất hiện những điểm sáng là những doanh nghiệp như VinFast, Thaco, Hyundai Thành Công đã chủ động đầu tư vào sản xuất linh kiện phụ tùng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thaco với nhà máy sản xuất linh kiện và phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam đã thành công khi xuất khẩu ô tô, các sản phẩm linh kiện sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Campuchia… Tập đoàn Thành Công cũng đã đầu tư Tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Quảng Ninh quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ sản xuất phụ tùng và linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn mà còn hướng tới xuất khẩu. VinFast cùng dành 70ha để phát triển đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.

Theo một số chuyên gia ô tô, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ nên đưa ra các bộ tiêu chí đạt tiêu chuẩn quốc tế, được các nhà sản xuất ô tô thế giới công nhận. Khi đó, doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chuẩn trên thì nên áp dụng các chính sách giảm thuế cho họ để khuyến khích phát triển ngành này.

Anh Lương