Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi):

Xây dựng một nghị trường sôi động, hiệu quả, có sức sống

- Chủ Nhật, 14/08/2022, 06:02 - Chia sẻ

Tuần tới, Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới. Nhất trí cần sửa đổi toàn diện Nội quy Kỳ họp Quốc hội hiện hành, các nguyên lãnh đạo Quốc hội, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) phải theo kịp sự đổi mới mạnh mẽ, liên tục của Quốc hội, xây dựng một nghị trường sôi động, hiệu quả, có sức sống, để Quốc hội trọn vẹn hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình. 

Phản ánh rõ nét bản chất dân chủ của Quốc hội

Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vừa được Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp tổ chức, các nguyên lãnh đạo Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nhiều năm gắn bó với hoạt động của Quốc hội đều bày tỏ hoàn toàn đồng tình với 4 quan điểm sửa đổi được nêu tại Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp phải bảo đảm thống nhất nhận thức về kỳ họp của Quốc hội là hình thức làm việc chủ yếu của Quốc hội, đồng thời cũng là nơi tập trung và thể hiện rõ nét nhất quyền lực tối cao của Quốc hội, thể hiện đầy đủ nhất bản chất dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong đó, theo các chuyên gia, dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cần đặc biệt quan tâm đến các quy định về gửi tài liệu kỳ họp, quy trình đọc tờ trình, báo cáo tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể, thời gian tranh luận, quyền tranh luận và chất vấn lại, thẩm quyền của chủ tọa điều hành... bởi đây là những quy định phản ánh rõ nét bản chất dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Trong đó, về việc trình bày tờ trình, báo cáo tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng có thể giảm bớt thời gian nhưng phải giữ thủ tục này. PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách nêu rõ, để có thể hình thành chính kiến và bày tỏ chính kiến, quyết định của mình đối với các đề án, dự án báo cáo trình Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần nghe các thông tin và quan điểm từ nhiều phía, ít nhất là từ phía cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. “Đây chính là tính chất căn bản của cơ quan dân cử, cơ quan nghị viện. Đối với các báo cáo hay dự án mang tính đặc thù, có tính chuyên môn cao như báo cáo tài chính nhà nước, ngân sách nhà nước, ngoài việc nghe thông tin, đánh giá, quan điểm từ phía cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội cần được nghe ý kiến đánh giá của cơ quan chuyên môn độc lập. Vì vậy, cần giữ thủ tục đọc này nhưng yêu cầu tờ trình, báo cáo phải ngắn gọn, cô đọng, thể hiện chính kiến, quan điểm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra về những vấn đề chung và những vấn đề cụ thể”, PGS.TS. Đặng Văn Thanh nói.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng nhất trí cao về việc cần trao quyền điều hành linh hoạt cho Chủ tọa phiên họp. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, để điều hành một phiên họp sôi động, có sức sống thì chủ tọa điều hành phải có quyền điều hành linh hoạt theo diễn biến thực tế của phiên họp thay vì theo trình tự lần lượt ai đăng ký trước phát biểu trước. Ví dụ đại biểu vừa phát biểu xong, có vấn đề cần có ý kiến của đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực đó để làm sáng tỏ hơn thì chủ tọa có quyền mời đại biểu chuyên gia về lĩnh vực đó phát biểu, hay một địa phương có cùng lúc nhiều đại biểu cùng đăng ký phát biểu thì chủ tọa có thể linh hoạt mời đại biểu của địa phương khác, đại diện cho vùng miền, lĩnh vực khác. “Chúng ta sửa đổi nội quy, quy trình, cách thức làm việc là để xây dựng một nghị trường sôi động, hiệu quả, có sức sống chứ không phải là một nghị trường theo tuần tự, có trật tự”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Tọa đàm góp ý dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), ngày 11.8	Ảnh: Lâm Hiển
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Tọa đàm góp ý dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), ngày 11.8
Ảnh: Lâm Hiển

Sử dụng hiệu quả các cơ chế đánh giá trách nhiệm cơ quan chậm trễ gửi tài liệu

Góp ý cụ thể về quy định liên quan đến thời hạn gửi tài liệu kỳ họp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, chậm trễ gửi tài liệu là vấn đề “trầm kha, luôn luôn diễn ra. Vấn đề không phải là thời hạn 10 ngày, 20 ngày hay 30 ngày mà là ý thức tuân thủ kỷ luật. Tôi không tin tưởng lắm việc chúng ta rút ngắn bớt thời gian lại thì cơ quan soạn thảo sẽ gửi tài liệu đúng kỳ hạn và giải quyết được bài toán chậm trễ gửi tài liệu”. Nhấn mạnh điều này, GS. Lê Minh Thông khuyến nghị, đã đến lúc phải “thiết quân luật” - nếu đến thời hạn quy định mà cơ quan trình không gửi hồ sơ kỳ họp thì dứt khoát không đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội nữa. “Làm như thế vài lần thì các cơ quan trình sẽ phải tính các yếu tố này trong quá trình chuẩn bị và không thể vi phạm được nữa. Cơ quan chủ trì thẩm tra nếu nể nang, vẫn xem xét hồ sơ gửi chậm thì cũng cần phải chịu trách nhiệm”, ông nói.

Chậm trễ gửi tài liệu kỳ họp Quốc hội đúng là “căn bệnh kinh niên”. Khẳng định điều này, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc lại kỷ niệm khi nhận bàn giao công việc từ nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. “Anh Kiên nhắc tôi việc duy nhất là “phải đi chéo chân như người hát chèo” vì tài liệu luôn luôn chậm. Tức là các khóa Quốc hội trước đó cũng thế rồi. Thực tiễn như vậy mà chúng ta quy định cứng quá thì không hợp lý. Có những vấn đề khách quan, chẳng hạn như Trung ương đầu tháng 10 họp, ngày 20.10 Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thì gửi được tài liệu kỳ họp trước 5 ngày cũng đã là cố gắng”.

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bởi thực tế hơn một năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã cho thấy, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống và hoạt động của bộ máy nhà nước, nếu lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cứ “chiểu theo nội quy, quy định, nếu cứ không trình hồ sơ đúng thời hạn là loại khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội” thì không thể đáp ứng được đòi hỏi nóng bỏng của cuộc sống. Chính sự chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa, linh hoạt trong cách thức làm việc, sẵn sàng làm việc xuyên trưa, xuyên tối, không có ngày nghỉ của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành được những quyết sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù, tạo cơ sở pháp lý, huy động, phân bổ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như vậy.

Cho rằng thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong năm đầu của nhiệm kỳ Khóa XV là những bài học kinh nghiệm hết sức quý giá cần rà soát, đưa vào Nội quy Kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu này cũng nhất trí cho rằng, phải sử dụng hiệu quả các cơ chế khác để đánh giá trách nhiệm của các cơ quan chậm trễ gửi tài liệu bởi với đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, việc gửi tài liệu quá chậm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, tham gia ý kiến của đại biểu.

Nội quy, quy trình, thủ tục là vấn đề hết sức quan trọng để vận hành thiết chế nghị viện, thậm chí nhiều nước đã ban hành Luật về thủ tục nghị viện. Chính vì thế, việc sửa đổi toàn diện Nội quy Kỳ họp Quốc hội trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đã bộc lộ của Nội quy hiện hành sau gần 7 năm thực hiện.

Đặc biệt, việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, là "phải tạo điều kiện để Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, chức trách của đại biểu Quốc hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của kỳ họp...".

Mọi sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp Quốc hội đều phải hướng đến mục tiêu này, cụ thể hóa các yêu cầu này để tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội thực hiện trọn vẹn hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước và Nhân dân. 

Nguyễn Bình