Đổi mới, thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực

Bài 2: Quyền lực, trách nhiệm và cảnh báo sự tha hóa, thoái hóa quyền lực

- Thứ Năm, 14/04/2022, 05:44 - Chia sẻ
Nhìn đại cục, người đứng đầu lãnh đạo, quản lý chiến lược thể hiện hai điều cơ bản sau: Nhìn ra, nắm lấy, hành động theo quy luật và giữ lấy, cố kết, dẫn dắt và phát triển lòng người!

TS. Nhị Lê
Nguyên Phó Tổng biên Tạp chí Cộng sản

Trao quyền gắn với trách nhiệm

Nếu quyền lực, theo nghĩa rộng lớn nhất, là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng trước hết về mặt chính trị và sức mạnh toàn diện để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy trong công việc tổ chức và dẫn dắt xã hội một cách chính danh, chính pháp thì thẩm quyền là sự biểu hiện tập trung và cụ thể trên thực tế của quyền lực về mặt thực tiễn. Thực chất quyền lực là năng lực, khả năng của một cá nhân hay tổ chức tác động đến những cá nhân, tổ chức khác phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương thức, phương tiện hay công cụ có thể trên phương diện chính trị, lập pháp, hành chính, tư pháp, hay kinh tế, thông tin…, trong đó, quyền lực chính trị là quan trọng nhất, bao trùm, chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội, trên nền tảng pháp lý và đạo lý.

Nếu sự lãnh đạo có nghĩa là một nhóm người, dù lớn hay nhỏ, sẵn lòng ủy quyền, trao thẩm quyền cho người khi họ thể hiện được tài phán đoán, trí khôn, sức lôi cuốn cá nhân, dẫn dắt cộng đồng thì thẩm quyền tự nó đã trở thành trách nhiệm và là trách nhiệm đối với người trao thẩm quyền hoặc ủy quyền của cộng đồng, của quốc gia, theo pháp luật. Do vậy, theo nghĩa nào đó, nếu thẩm quyền không song trùng và gắn với với trách nhiệm thì thẩm quyền trở nên không giới hạn; đến lượt nó, trách nhiệm trở nên vô nghĩa và thậm chí trở thành hư vô đối với thẩm quyền.

Và khi đó, quyền lực tuyệt đối nhất định sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, nếu thẩm quyền không được khắc chế và kiểm soát bằng đạo đức, bằng pháp luật và các công cụ kiểm soát khác thông qua sự định vị, định lượng và định chế trách nhiệm. Nói khái lược, khi thẩm quyền không gắn với trách nhiệm và được kiểm soát lập tức quyền lực có nguy cơ bị tha hóa, thoái hóa, chuyển hóa thành độc quyền, bạo quyền, quyền lực bị đánh cắp, thậm chí thoán đoạt quyền lực... Nghĩa là lúc quyền lực không được khắc chế, không bị kiểm soát theo trách nhiệm, trên nền tảng pháp lý và đạo lý. 

Thực tiễn đã và đang cảnh báo, mọi sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa qua bị xử lý đều nhằm trục lợi - tức là tham nhũng dưới mọi thủ đoạn, hình thức và mức độ: từ tham nhũng kinh tế, chính trị tới tham nhũng chính sách, lòng tin - chúng cấu kết rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, lợi dụng các khoảng trống pháp luật, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chúng bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chà đạp lên cả luân thường đạo lý, cốt chiếm đoạt mọi thứ vì cá nhân và phe nhóm, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chia cắt giữa Đảng với Nhà nước, gây xáo trộn, thậm chí làm rối loạn kỷ cương và xã hội. Quyền lực bị xâm hại, phá vỡ ở những địa hạt này. 

Mặt khác, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, ăn trộm và buôn bán quyền lực dưới mọi hình thức và cấp độ làm xuất hiện những lợi ích nhóm, nhóm lợi ích trong các “liên minh ma quỷ”… Có thể hình dung, từ việc dùng thẩm quyền của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích tới việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, tư túng bổ nhiệm cán bộ… đều là hậu quả của sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, thậm chí là sở hữu quyền lực. Đặc biệt, như đã nhiều lần cảnh báo, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, trên - dưới, trong - ngoài… bằng những “luật ngầm” đã xuất hiện trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý trên các phương diện kinh tế - xã hội ở nhiều nơi đã và đang gây nên những hậu họa khôn lường.

Đáng lo ngại là, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của không ít người đứng đầu rất đa dạng, tinh vi và thường xoay chung quanh một số cá nhân “trung tâm” hoặc “liên minh” đa trung tâm, liên kết vùng, thậm chí cả ở ngoài nước nhưng núp sau tấm bình phong tập thể, cộng đồng, thậm chí “nhân danh” quốc gia dân tộc để mưu đoạt chính trị, thậm chí thoán đoạt quyền lực, phản bội Tổ quốc, như lịch sử từng cảnh báo. Mặt khác, thực tiễn cũng đang cho thấy, cả tổ chức quyền lực vi phạm quyền lực. Do đó, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa, thoái hóa quyền lực thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, có quyền lực lớn nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng, có không ít trường hợp được bao che, thậm chí họ dùng cả tổ chức quyền lực phản kích quyết liệt lại các lực lượng kiểm tra, thanh tra, giám sát và các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lực, làm cho tình hình không ít nơi rất phức tạp và rối ren. 

Tha hóa, thoái hóa quyền lực rất dễ dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, thậm chí nạn trộm cắp, buôn bán quyền lực và cả sự thoán đoạt quyền lực. Từ sở hữu quyền lực tới trộm cắp chức vụ hay đạo vị, buôn bán quyền lực là một bước chuyển hóa rất ngắn, chỉ trong gang tấc và hiểm họa khôn lường. “Nên nhớ “làm người trước, làm việc sau”. Đây là đạo lý nghìn đời không thay đổi của người xưa để lại. Ngay từ tháng 6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)”. “Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử”. Người coi các loại cán bộ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư...” đều là BẤT LIÊM “mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.   

Từ trộm cắp chức vụ tới buôn quan, bán tước, thoán đoạt quyền lực chỉ là một vệt trượt ngắn, rất ngắn nhưng hiểm họa chết người khôn lượng! Và, ngay từ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cảnh cáo: Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin vào chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại. 

Tình trạng thừa quyền lực nhưng thiếu năng lực

Thực tiễn đang trở nên phổ biến, tình trạng thừa quyền lực nhưng thiếu năng lực, trước hết là năng lực chính trị và pháp luật, trong điều kiện Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng pháp luật đang trở thành hậu họa nhãn tiền. Không ít sự rối loạn, thậm chí phá vỡ những ranh giới giữa khuôn khổ thẩm quyền được giao với sự năng động, sáng tạo vốn rất mong manh nhưng rất đa dạng, phong phú… dẫn tới sự rối loạn hệ giá trị trong đánh giá, thẩm định, vượt ngoài khuôn khổ cho phép và làm rối loạn kỷ cương, kỷ luật ở không ít nơi. Họ thường ẩn nấp sau tấm bình phong nhân danh, chính danh, chính pháp nhưng kỳ thực để vứt bỏ chính danh, chính pháp và thay bằng thực thi sự mạo danh, đạo danh, thậm chí cả mượn danh, ẩn danh âm mưu sở hữu quyền lực một cách vô pháp vô thiên, rắp mưu hoành hành quyền lợi cá nhân, phe nhóm, phường hội. Quan - doanh liên thủ, phe nhóm liên danh đã và đang lũng đoạn Nhà nước nguy cơ Đảng bị thao túng và Nhà nước bị lũng đoạn đang cận kề. Tất cả vô hình dẫn tới nạn rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm theo thẩm quyền, chia cắt kỷ luật và khoanh vùng kỷ luật và pháp luật, nguy cơ biến pháp kỷ luật và pháp luật thành những “thanh kiếm phường chèo”(!). Rốt cuộc xâm hại và phá vỡ cả hai: thẩm quyền và trách nhiệm, làm rối loạn đạo lý, lũng đoạn kỷ cương và xâm hại pháp luật. V. I. Lênin gọi sự “khoanh vùng” pháp luật đó là “sự man rợ”. Qua các vụ đại án về tha hóa, thoái hóa quyền lực của nhiều cá nhân và tổ chức vi phạm quyền lực đã được xét xử gần đây cho thấy và cảnh báo nghiêm khắc sự mù pháp luật hoặc cố tình giẫm đạp lên luật pháp và dẫn đến những điều nguy hiểm đó. Một loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp bị xử lý mấy năm vừa qua, từ 2015 - 2021, phơi bày rõ “điểm yếu chết người” này. 

Không ít nơi do buông lỏng sự kiểm soát quyền lực đã và đang phạm vào tội lỗi chết người đó.

Nhưng đáng sợ hơn, khi bị chi phối bởi lợi ích nhóm, tệ “cát cứ phường hội”, băm nhỏ lợi ích quốc gia… tất dẫn tình trạng thật giả lẫn lộn, phải trái bất minh, “chụp mũ” những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hoặc tấn công những người dũng khí đấu tranh chống lại nạn lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền, đạo quyền hoặc cố ý làm trái, sẽ làm thui chột, thậm chí phá vỡ động lực phát triển, làm rạn vỡ đội ngũ cán bộ các cấp, nguy cơ làm băng hoại không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nếu tự biết được ham muốn của mình thì ắt sẽ biết cách tự tiết chế bản thân. Nhưng, không ít người nắm trong tay quyền lực được ủy thác, khi ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và họ lạc theo đường tà, nhất là không ít kẻ tham dục vọng, mượn tổ chức quyền lực để truy cầu danh vị và phú quý mà tán gia bại sản, mất danh dự thậm chí vướng vòng lao lý. 

Hơn một trăm người do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, và những vụ đại án bị xử lý vừa qua cho thấy, vì đi theo lối những “mù lòa” này, họ đã xâm hại quyền lực, các tổ chức quyền lực bị “vo tròn bóp méo” tới mức cố tình làm cho tổ chức rối loạn và tình hình nguy hiểm như thế nào. Và, không ít người được trao trọng trách kiểm soát lại tự ban cho mình thứ “quyền lực vô biên”, “quyền lực nằm ngoài quyền lực”, thậm chí núp sau mọi bình phong để âm mưu thực thi những thứ “siêu quyền lực”…, họ vô hình nằm ngoài sự kiểm soát, mặt khác vứt bỏ mọi sự kiểm soát đối với họ, đã làm cho quyền lực bị vô hiệu hóa. 

Rốt cuộc, nảy nòi tình trạng lũng đoạn Nhà nước và Nhà nước bị lũng đoạn, Quốc pháp trở nên bị hạ thấp, thậm chí bị “rút phép”, bị tước bỏ sức mạnh pháp quyền. Đây đang chính là “cục nghẽn mạch”, “tử huyệt” làm băng hoại quyền lực của Nhân dân, có cơ gây lâm nguy đối với Đảng, đe dọa vai trò của Nhà nước và sinh mệnh của chế độ. 

Đó là điều hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa vận mệnh của Đảng, sự sinh tử đối với chế độ và sự mạnh yếu của thể chế, còn mất của quốc gia.