Bứt phá khu vực du lịch, dịch vụ

- Chủ Nhật, 04/12/2022, 07:26 - Chia sẻ

Được coi là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong năm 2022, khu vực dịch vụ, nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch đã đóng góp 1/3 tỷ trọng GRDP chung của toàn tỉnh.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Bước qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong năm 2022 phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ - du lịch ghi nhận kết quả tăng trưởng bứt phá 17,34%, chiếm 33% tỷ trọng GRDP. Đây chính là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong năm 2022. Với việc thực hiện thành công chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Quảng Ninh là địa phương đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm và được Trung ương lựa chọn phát động ra cả nước. Trong năm, tổng khách du lịch của tỉnh ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt trên 25.100 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm du lịch với lượng du khách thuộc top đầu cả nước.

Trên cơ sở dự báo sát tình hình, hàng loạt quyết sách đúng đắn của tỉnh đã được triển khai đồng bộ như: hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phục hồi; sớm ban hành chính sách kích cầu du lịch với một chương trình tổng thể thu hút mạnh mẽ du khách. Đặc biệt, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn xuyên suốt cả năm như SEA Games 31, Carnaval Hạ Long, chương trình du lịch hè, du lịch thu đông đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành du lịch. Trong đó, thành công của Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3), Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17… đã khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế của tỉnh. 

Mọi cơ hội khôi phục ngành công nghiệp không khói được chính quyền và các doanh nghiệp nắm bắt trong tâm thế chủ động sẵn sàng. Trong đó, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch văn minh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm sẵn có… Du khách đến Quảng Ninh có những trải nghiệm khác biệt, mới mẻ với phố đêm du thuyền, trải nghiệm du lịch thu đông khác lạ trên di sản - kỳ quan vịnh Hạ Long, Bình Liêu, Yên Tử.

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới, bằng các nỗ lực của mình, Quảng Ninh đang làm rất tốt việc lan tỏa thông điệp sẵn sàng chào đón du khách đến từ mọi nơi trên thế giới. Tỉnh có đầy đủ tiềm năng, lợi thế và đang có đà phục hồi tích cực. Bên cạnh đó, yếu tố kiểm soát dịch bệnh an toàn chính là điểm cạnh tranh nổi trội của Quảng Ninh với các khu vực khác.

Năm 2022,  tổng khách du lịch đến với Quảng Ninh ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ - Ảnh: Q.M.G
Năm 2022, tổng khách du lịch đến với Quảng Ninh ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ
Ảnh: Q.M.G

Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2023, tỉnh đã định hướng phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo, khôi phục mạnh mẽ ngành du lịch linh hoạt thích ứng, an toàn với dịch Covid-19 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, sẽ tập trung triển khai các đề án phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế.

Tỉnh cũng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị riêng của địa phương; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác và với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, các dự án trọng điểm phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ để tạo bước đột phá hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới…

Cùng với các giải pháp trên, Quảng Ninh cũng định hướng đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng và hợp tác quốc tế đồng bộ để tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao.

Bảo Trâm