Sẽ thu hồi dự án của chủ đầu tư không đủ năng lực

- Thứ Sáu, 08/07/2022, 06:28 - Chia sẻ

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, mặc dù tại kỳ họp cuối năm 2021, HĐND thành phố đã lựa chọn việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn để tiến hành giám sát song đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Vì vậy, HĐND thành phố đã lựa chọn nội dung này để tái giám sát với phương châm đi đến cùng vấn đề.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải

Mở đầu phiên tái chất vấn, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu thực tế 2 dự án nhà máy rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên) Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) hiện vẫn chậm tiến độ do đang chờ điều chỉnh quy hoạch rác thải và điều chỉnh chủ trương đầu tư. "Sau 7 năm phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án này vẫn chưa triển khai được. Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư và lãnh đạo UBND thành phố nêu giải pháp để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án", đại biểu chất vấn.

BÀI 3: Sẽ thu hồi dự án của chủ đầu tư không đủ năng lực -0
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: P. Long

Trả lời chất vấn trên, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết: Đối với nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, nguyên nhân chậm triển khai do gặp khó khăn trong công tác GPMB. Mặt khác, hiện chủ đầu tư đang có văn bản xin điều chỉnh nâng công suất của nhà máy, tuy nhiên đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Hiện tại, các sở, ngành đang kiến nghị UBND thành phố xem xét điều chỉnh, nếu không phù hợp đề nghị thu hồi dự án.

Đối với nhà máy xử lý rác Châu Can, sau khi HĐND thành phố chất vấn, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị thay đổi chủ trương đầu tư nâng công suất của dự án, tăng vốn, điều chỉnh tiến độ… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tiến hành GPMB; chưa lựa chọn được công nghệ xử lý; năng lực của chủ đầu tư hạn chế... Hiện, các đơn vị liên quan đang rà soát, kiểm tra nếu không bảo đảm các quy định đề ra thì đề nghị thu hồi dự án - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ.

Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết: Đối với dự án nhà máy rác thải Châu Can, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015 nhưng đơn vị này chưa triển khai. Do đó, thành phố đang đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư này với quan điểm nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công. Đối với nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, thành phố đang giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành đơn vị có liên quan sớm có kế hoạch triển khai dự án, trong vòng 1 tháng phải có báo cáo đề xuất với UBND thành phố.

Trước câu hỏi chất vấn của các đại biểu về việc vì sao dự án đường trục phía Nam vẫn còn 23km chưa triển khai, Giám đốc Ban QLDA Xây dựng các công trình giao thông thành phố Nguyễn Chí Cường cho biết: Quá trình thực hiện, xảy ra mâu thuẫn tranh chấp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án. Việc này đã được thành phố chỉ đạo trong 3 năm qua, tuy nhiên đến nay, 2 doanh nghiệp vẫn chưa đi đến thống nhất khiến dự án chưa được triển khai. Về hướng giải quyết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, Dự án đầu tư đường trục phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đối với những tranh chấp hiện nay, thành phố đang kiểm tra và dự kiến ngày 15.7, Thanh tra thành phố sẽ rà soát các kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án này; tháng 9.2022, sẽ triển khai làm rõ các vướng mắc tại dự án.

Nhiều dự án chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng

Tại phiên tái chất vấn, các đại biểu Lê Minh Đức, Trần Hợp Dũng, Nguyễn Thanh Bình... cũng chỉ rõ các dự án như: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dự án 148 Giảng Võ, dự án 31-33-35 Lý Thường Kiệt... hiện đều đang chậm tiến độ. Trả lời chất vấn về Dự án xây dựng trạm tiêu bơm Yên Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết: Dự án này đã chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt của thành phố. Vướng mắc trong GPMB đã ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước của hệ thống ở phía tây Thủ đô. Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận Hà Đông trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến cuối năm 2022, nếu hộ dân nào không chấp hành GPMB sẽ bị tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Thông tin thêm về Dự án ở 148 Giảng Võ chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, hiện khu đất 148 Giảng Võ đã có chủ trương đầu tư chuyển đổi đầu tư làm trung tâm dịch vụ thương mại, văn hóa với mật độ xây dựng giảm, tăng diện tích cây xanh... Dự kiến, trong năm 2022, thành phố và Bộ Xây dựng sẽ thống nhất lại phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự kiến, đến năm 2023, dự án sẽ được triển khai xây dựng - ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Riêng đối với công trình 31-33-35 phố Lý Thường Kiệt, ông Dương Đức Tuấn cho biết: Theo quy hoạch phân khu đô thị quận Hoàn Kiếm, khu vực phố Pháp cổ, chung cư cũ thì công trình chỉ cao 8 tầng, chủ đầu tư hiện đề xuất được xây dựng 14 tầng. Sau khi xin ý kiến của các đơn vị liên quan, Hà Nội dự kiến 2 phương án: Phương án 1, nếu đồng ý các quy định hiện hành thì có thể xây luôn 8 tầng; phương án 2, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Long Huỳnh