Vui, buồn thưởng Tết!

- Thứ Sáu, 23/12/2022, 06:12 - Chia sẻ

Một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023! Từ vài ba tuần nay, câu chuyện thưởng Tết đã xôn xao trên mặt báo và trong những cuộc chuyện trò.

Bức tranh thưởng Tết năm nay màu sắc ra sao - rực rỡ hay u ám? Câu trả lời chính xác có lẽ phải đợi sau ngày 25.12. Đây là thời hạn cuối các tỉnh, thành phố phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Dù vậy rải rác những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng cho người lao động. Một số đơn vị liên quan cũng đưa ra dự báo về mức thưởng năm nay. Bức tranh thưởng Tết phác họa từ những thông tin đó, tuy không mới, nhưng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc…

Trước hết hãy nói về niềm vui khi phần lớn người lao động đều có thưởng Tết - cho thấy nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong một năm nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức! Trong số 1.125 doanh nghiệp đã gửi báo cáo về Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Bình Dương, 1.115 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão; chỉ 3 doanh nghiệp chưa có kế hoạch và 7 doanh nghiệp không có thưởng Tết.

Một thủ phủ công nghiệp khác của cả nước là Đồng Nai, hàng trăm doanh nghiệp cũng đã công bố mức thưởng Tết năm nay. Từ rất sớm, Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina (TP. Biên Hòa) chuyên gia công giày da Nike đã quyết định thưởng Tết Dương lịch 100 nghìn đồng/người cho tất cả cán bộ, công nhân viên - khoảng 35 nghìn người. Dịp Tết Nguyên đán, mức thưởng thấp nhất là 500 nghìn đồng/người đối với lao động mới vào làm việc; cao nhất là 150% tiền lương cơ bản (khoảng 6,5 triệu đồng theo tính toán của người viết) và bình quân phụ cấp nặng nhọc độc hại năm 2022.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm nay các ngành sử dụng nhiều lao động, cũng là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta, vẫn có thưởng Tết cho công nhân với mức thưởng cơ bản cao hơn năm trước.

Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may, da giày vô cùng khó khăn trong những tháng cuối năm vì không có đơn hàng, song theo đại diện hiệp hội của hai ngành này thì người lao động vẫn có thưởng Tết. Công nhân dệt may ít nhất được thưởng 1 tháng tiền lương trong khi doanh nghiệp da giày vẫn duy trì lương tháng thứ 13 cho người lao động với mức tăng 5 - 6% so với năm ngoái.

Một niềm vui nữa là như thông lệ, đây đó vẫn có mức thưởng Tết “chót vót”! Theo công bố đến giờ này, có đơn vị ở Đồng Nai thưởng cao nhất 100 triệu đồng; ở Bình Dương là 896 triệu đồng; ở TP. Hồ Chí Minh là 471 triệu đồng… Đây dù chỉ là những trường hợp cá biệt song cũng cho thấy trong khó khăn chung của nền kinh tế, có những doanh nghiệp hồi phục ngoạn mục, làm ăn rất tốt. 

Tuy nhiên, trên bình diện toàn thị trường lao động, mức thưởng Tết năm nay được dự báo sẽ giảm 15 - 20%, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi nền kinh tế nhiều khó khăn. Số người nhận thưởng cao đến trăm triệu đồng sẽ không nhiều; phần lớn nhận thưởng tương đương 1 - 2 tháng lương. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều người không được thưởng vì đã mất việc hoặc bởi doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, doanh nghiệp phá sản, giải thể… nên không thưởng! Bức tranh thưởng Tết vì thế còn chứa đựng cả những gam màu buồn!

Nỗi buồn sẽ lớn hơn khi giá cả hàng hóa, thực phẩm thường đắt đỏ hơn trong dịp cuối năm. 59% công nhân không có một đồng tích lũy, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tháng 11 vừa qua. Họ sẽ buộc phải co kéo, tính toán xem đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối, có dư đồng nào mua tấm áo mới cho con... dịp Tết đến xuân về này! Xa hơn chút nữa, bất ổn của thị trường lao động khả năng còn kéo dài do tình trạng khan hiếm đơn hàng sẽ duy trì sang nửa đầu năm tới. Tiền thưởng Tết ít ỏi có lẽ còn phải dành cho những ngày khó khăn phía trước…

Hà Lan