Phía sau kỷ lục kiều hối!

- Chủ Nhật, 29/01/2023, 06:23 - Chia sẻ

Những ngày đầu xuân mới, Việt Nam tiếp tục được ghi nhận là 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới. 

Cụ thể, số liệu trong Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện cho thấy, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gần 5% so với năm 2021 (tương đương 1 tỷ USD) và đạt gần 19 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Báo cáo của WB và KNOMAD nhận định trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong hai năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Kiều hối về Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định như vậy, kể cả trong đại dịch Covid-19, là kết quả của nhiều yếu tố. Trước hết, số người Việt ra nước ngoài ngày càng nhiều, đặc biệt từ khi chương trình xuất khẩu lao động được triển khai trên diện rộng. Ước tính hiện có 5,3 triệu người Việt sống, học tập và lao động tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù sinh sống, làm việc nơi đâu, kiều bào đều luôn hướng về quê hương, Tổ quốc. Bên cạnh đó, chính sách kiều hối ngày càng cởi mở; dịch vụ chuyển tiền phát triển mạnh, thủ tục chuyển tiền đơn giản và nhanh chóng, thông thường chỉ trong 24 giờ là người ở Việt Nam nhận được tiền, kể cả ở vùng quê.

Kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng nhưng không phải ai cũng hình dung được đóng góp quan trọng của dòng tiền này. Một mặt, kiều hối giúp bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la Mỹ; tăng nguồn vốn đầu tư... Mặt khác, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều đã góp phần cải thiện cuộc sống của những người nhận kiều hối, đồng thời giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ…

So với hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân năm 2022, lượng kiều hối chỉ kém hơn “chút đỉnh”. Tuy vậy, cho đến nay chưa có nghiên cứu tin cậy nào cho thấy toàn bộ dòng kiều hối là những khoản tiền chắt chiu dành dụm của bà con người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về giúp gia đình hoặc đầu tư kinh doanh trong nước. Nói cách khác, mối nghi ngờ hoạt động rửa tiền núp bóng kiều hối chưa được giải tỏa, loại trừ. 

Trong bối cảnh đó, bên cạnh yêu cầu kiểm soát rủi ro nhằm tránh khả năng rửa tiền, thì làm sao để tăng được nguồn thu từ kiều hối một cách thực chất là một câu hỏi quan trọng mà cơ quan quản lý cần đặt ra để làm tăng nguồn cung ngoại tệ trong nước và góp phần vào phát triển nền kinh tế. Nói đây là vấn đề quan trọng bởi lẽ, hiện nay, người Việt sang lao động và học tập tại nước ngoài có số lượng tương đối đông đang tạo nhu cầu khá lớn cho hoạt động gửi tiền về Việt Nam với các mục đích khác nhau, như: trả nợ vay ngân hàng; hỗ trợ cuộc sống người thân, đầu tư bất động sản, các hoạt động kinh doanh… Đặc biệt hơn, khảo sát trong cộng đồng kiều bào của đại diện các Hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước cho thấy, “thế hệ thứ 2” người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư. Nguồn lực này nếu được khai thác hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.

Hà Lan