Cử tri “nhìn" ai trong phiên chất vấn?

- Thứ Ba, 06/06/2023, 06:18 - Chia sẻ

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng gọi phiên chất vấn là phiên họp của hy vọng và của tâm tư: hy vọng là về sự cải thiện sau những lời hứa; tâm tư là vì mong muốn thì bao giờ cũng lớn hơn khả năng thực tế. Và hơn thế nữa, phiên chất vấn cũng là kỳ sát hạch không chỉ với bộ trưởng ngồi “ghế nóng” mà với các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho nhân dân.

Hôm nay, Quốc hội Khóa XV bắt đầu phiên họp rất được mong đợi ấy! Phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm; các vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội.

Tiếp đến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sẽ trả lời về trách nhiệm của Ủy ban và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng

Là người thứ ba đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học; hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ…

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn và giảm ùn tắc; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định, đào tạo và cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.

Đây đều là những vấn đề nóng, thiết thực với người dân, doanh nghiệp và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước cả trong ngắn hạn, dài hạn. Là một hình thức giám sát của Quốc hội, phiên chất vấn sẽ làm rõ trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng, trưởng ngành trong những vấn đề này. Khi chế độ trách nhiệm được xác lập, các vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn, cơ bản hơn. Quan trọng không kém, phiên chất vấn được kỳ vọng sẽ làm rõ những vấn đề này ở tầm chính sách; một chính sách được cải thiện thì lợi ích sẽ đến với hàng triệu người.

Tuy nhiên, phiên chất vấn không chỉ là nơi “sát hạch” các bộ trưởng mà còn là nơi các đại biểu cần nỗ lực chứng tỏ vai trò “đại biểu nhân dân” của mình. Câu chất vấn  dành cho bộ trưởng chính là “căn cứ” để cử tri đánh giá đại biểu của họ có thật sự hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của mình hay không? Không dễ dãi, không “hỏi cho có”, mà ngược lại, nắm vấn đề, hỏi trúng điều cử tri cần, làm rõ được trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng trước các vấn đề nóng cử tri quan tâm - đó là “thước đo” cho độ “xứng đáng” của người đại biểu với phiếu bầu cử tri dành cho họ.

Trong bối cảnh Quốc hội Khóa XV dự kiến tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp cuối năm nay, phiên chất vấn là kỳ sát hạch mang tính “chạy đà” quan trọng với các bộ trưởng, trưởng ngành. Nếu các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành làm được và giải trình được thì họ sẽ tiếp tục giữ được sự tín nhiệm của Quốc hội và cử tri. Và đồng thời, cử tri sẽ nhìn cả vào đại biểu, đánh giá ai là người có xứng đáng được họ “chọn mặt" để "gửi vàng” !

Hà Lan