Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Ba, 21/06/2022, 10:28 - Chia sẻ

Ngày 21.6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030.

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các Bộ trưởng, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các đại sứ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long -2
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu cắt băng khánh thành triển lãm "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng, phát triển"

Hội nghị nhằm giúp các cấp, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị Khóa XIII “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 13); Nghị quyết số 78/NQ-CP78, ngày 18.6.2022, của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 và “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch vùng ĐBSCL) đã được Thủ tướng phê duyệt. Một trong những mục tiêu của hội nghị là thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; xác định liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng thời gian tới; tranh thủ có hiệu quả sự ủng hộ, hợp tác, đồng hành của các bạn bè, đối tác quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết số 13 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 mở ra tầm nhìn mới, giá trị mới trong xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL thời gian tới theo hướng phát triển hài hòa, thuận thiên, “toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước”. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long -1
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030
Về tầm nhìn mới, Quy hoạch xác định phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng được bảo tồn và phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Về giá trị mới, việc thực hiện Quy hoạch hướng đến mục tiêu đưa vùng ĐBSCL từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

Quy hoạch xác định 4 hành lang phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới: Thứ nhất là, hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An theo định hướng đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa dọc các tuyến đường bộ cao tốc, tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Thứ hai là, hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu: là hành lang kinh tế, không gian văn hóa, hành lang đa dạng sinh học, không gian cảnh quan sông nước có tính nhận diện, đặc trưng của vùng. Thứ ba là, hành lang kinh tế ven biển qua các tỉnh ven biển từ Long An đến Cà Mau, Kiên Giang, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo. Thứ tư là, hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long -0
Quang cảnh Hội nghị

Để thống nhất về nhận thức trong triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hội nghị đã nghe lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi tập trung trao đổi về: tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi vùng ĐBSCL; kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2022-2030; xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và định hướng phát triển năng lượng tái tạo vùng ĐBSCL; văn hóa, thể thao, du lịch ĐBSCL đến năm 2030 - thế mạnh và khả năng thúc đẩy liên kết vùng; liên kết phát triển giữa Vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; vai trò, vị trí trung tâm vùng của Thành phố Cần Thơ trong liên kết phát triển vùng ĐBSCL; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ bờ biển, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng hành, hỗ trợ, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển bền vững vùng ĐBSCL...

TIn và ảnh: Vũ Châu
#