Luật Đất đai (sửa đổi): Khơi thông nguồn lực, thu hút kiều hối đầu tư

- Thứ Năm, 08/02/2024, 10:08 - Chia sẻ

ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản

Quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai tại Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm sẽ tạo ra bước đột phá trong huy động nguồn lực, thu hút kiều hối đầu tư.

Khơi thông nguồn lực, thu hút kiều hối đầu tư -0
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ quyền với đất đai

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 18.1.2024 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 với rất nhiều những chính sách mới. Trong số những chính sách mới nổi bật, phải kể đến quy định về người sử dụng đất (quy định tại Điều 4), theo đó cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Như vậy, kể từ ngày 1.1.2025, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam) thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước; giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam).

Quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự ủng hộ, nhất trí rất cao của đa số đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong xuất quá trình soạn thảo, lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để đồng bộ, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 (được Quốc hội thông qua ngày 28.11.2023 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025) cũng quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước. Trong khi đó, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (được Quốc hội thông qua ngày 27.11.2023, cùng có hiệu lực từ ngày 1.1.2025) cũng quy định theo hướng dẫn chiếu: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.

Quy định của 3 Luật mới thông qua nêu trên là cơ bản thống nhất, đồng bộ nhằm bảo đảm chủ thể kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam thì có quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất; quyền kinh doanh bất động sản như công dân ở trong nước. Vậy quy định mới này sẽ có tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước... trong thời kỳ mới?

Về mặt chính trị và pháp lý, quy định mới của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và hai luật liên quan thể hiện rõ quan điểm kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam đang cư trú sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Điều 7 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 cũng nhấn mạnh nguyên tắc: “Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam”.

Do đó, quy định mới của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và hai luật liên quan thể hiện rõ quan điểm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào ở nước ngoài giữ quốc tịch Việt Nam cũng như mối quan hệ gắn bó, xây dựng quê hương, đất nước; thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26.3.2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong tình hình mới, coi“người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Kết luận 12-KL/TW ngày 12.8.2021 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Về mặt kinh tế - xã hội, việc quy định kiều bào ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được thực hiện đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước sẽ xử lý được vướng mắc pháp lý của nhóm chủ thể này, chẳng hạn vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất ở. Quy định này chắc chắn sẽ góp phần thu hút bà con kiều bào ủng hộ, đầu tư về Tổ quốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kiều hối và đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam.

Khơi thông nguồn lực, thu hút kiều hối đầu tư -0

Đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào

Theo Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23.10.2023 của Chính phủ, hiện nay cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có khoảng trên 5,3 triệu người đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm qua.

Tổng lượng kiều hối do bà con kiều bào chuyển về nước trong 30 năm (từ 1993 - 2022) ước đạt khoảng 200 tỷ USD. Trong 20 năm qua, kiều hối có giá trị bằng gần 80% nguồn vốn FDI và gấp 1,7 lần nguồn vốn ODA được giải ngân. Từ năm 2001 đến năm 2021, tổng lượng kiều hối bình quân chiếm khoảng 5,57% GDP. Lượng kiều hối bình quân thời kỳ 2001 - 2020 bằng 29% dự trữ ngoại tệ quốc gia, có thời kỳ lên đến 43% (giai đoạn 2011 - 2015).

Trong những năm qua, mặc dù kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn nhưng dòng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì ổn định. Báo Công thương ngày 3.2.2024 đưa tin: Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Báo cáo của Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR), đến cuối năm 2023, lượng kiều hối qua Sacombank-SBR tăng gần 98% so với năm trước và là mức tăng cao nhất trong 5 năm. Số liệu của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết lượng kiều hối về nước ta năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Sự sửa đổi cơ bản về chính sách tiếp cận đất đai của kiều bào ở nước ngoài trong Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và 2 luật liên quan sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào, giúp củng cố thêm niềm tin, sự lạc quan về việc gia tăng thu hút kiều hối và đầu tư từ kiều bào, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về mặt quốc phòng, an ninh và các vấn đề xã hội, Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23.10.2023 của Chính phủ nêu rõ: Thực tiễn triển khai Luật Đất đai và Luật Nhà ở từ năm 2003 đến nay, qua các lần sửa đổi, các báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội, liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho thấy những điểm tích cực, không có tác động tiêu cực đến thị trường và các đối tượng dân cư khác.

Không chỉ giúp thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút kiều hối từ kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh tế, sự sửa đổi của Luật Đất đai lần này còn giúp hạn chế các tranh chấp dân sự nảy sinh do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người thân ở trong nước đứng tên; tuy nhiên người đứng tên lại đem bán, trục lợi cá nhân. Những vụ việc dạng này rất phổ biến trong cả nước suốt những năm qua, dẫn đến việc vào năm 2016, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã công bố Án lệ số 02 để thống nhất xét xử.

Nguyên nhân khiến kiều bào có nhu cầu mua nhà, “mua đất” (nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) phải nhờ người khác đứng tên là do quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản qua các thời kỳ đều hạn chế việc sử dụng đất, sở hữu nhà và mua bán bất động sản của nhóm chủ thể này.

Nay, quy định mới của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của họ, đồng thời giúp khắc phục các vấn đề xã hội, các tranh chấp nảy sinh do kiều bào nhờ người thân, bạn bè đứng tên hộ khi mua nhà, đất.

#