Vụ tự ý san ủi đất của người dân khi chưa áp giá đền bù: Chủ đầu tư nói gì?

- Thứ Sáu, 15/03/2024, 13:56 - Chia sẻ

Chủ đầu tư cho rằng, người dân có thể trình báo và xác định cụ thể thiệt hại để chính quyền địa phương tiếp nhận xử lý, yêu cầu đơn vị gây thiệt hại phải bồi thường.

Liên quan đến bài viết: “Chưa áp giá đền bù đã san ủi đất của người dân, làm hạ tầng khu tái định cư” của Báo Đại biểu Nhân dân đăng ngày 29.1.2024, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (thuộc UBND TP.Đà Nẵng, chủ đầu tư khu dự án, gọi tắt là Ban QLDA) đã có phản hồi về sự việc liên quan.

Theo Ban QLDA, dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Tuyến đường vành đai phía Tây tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) hiện đã thi công đạt khoảng 90% khối lượng hợp đồng. Cơ bản thảm bê tông nhựa các nhánh đường (riêng phạm vi khoảng 6.400m2/63.893m2, bao gồm phần đất chưa bàn giao của hồ sơ số 11 và khu vực lân cận bị ảnh hưởng) chưa thể thi công hoàn thiện do hồ sơ số 11 chưa bàn giao mặt bằng nên không thể thi công đấu nối hoàn thành các hạng mục.

Vụ tự ý san ủi đất của người dân khi chưa áp giá đền bù: Chủ đầu tư nói gì? -0
Dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Tuyến đường vành đai phía Tây tại xã Hòa Phú đã thi công 90% khối lượng

Hiện có 43/44 hồ sơ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai, còn 1/44 hồ sơ đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là thửa đất số 324 tờ bản đồ số 34 (hồ sơ số 11) của ông Nguyễn Hữu Thành là chủ sở hữu (ông Nguyễn Xuân Lương và bà Lê Thị Hà là người có quyền và nghĩa vụ liên quan). Theo Ban QLDA, trước khi trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch dự án, Ban QLDA đã có văn bản lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo đúng quy định.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Xuân Lương phản ánh bị san ủi đất vườn, cây cối khi chưa thống nhất áp giá đền bù (phía Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang cũng xác nhận chưa bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng).

Ban QLDA cho rằng, theo quy định, nhà thầu thi công chỉ triển khai thi công trên mặt bằng sạch đã được hội đồng giải phóng mặt bằng, ban quản lý dự án bàn giao. Nhưng trong thực tế triển khai dự án có giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải tỏa các trường hợp đất nông nghiệp. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm cây cối hoa màu, nhà thầu thi công thường chủ động liên hệ, vận động người dân cho mượn đất, hỗ trợ thu hoạch hoa màu để tiếp nhận sớm mặt bằng tổ chức triển khai thi công đồng bộ liên tục.

Đối với trường hợp hồ sơ số 11, cây cối hoa màu đã được kiểm đếm tại các buổi kiểm đếm ở hiện trường với sự tham gia của hội đồng giải phóng mặt bằng, về phía đại diện hồ sơ số 11 có ông Nguyễn Xuân Lương tham dự và ký xác nhận (biên bản ngày 8/6.2022 và biên bản ngày 18.12.2023).

Dù nhà thầu thi công (Công ty cổ phần Trường Sơn 532) có báo cáo là đã gặp và xin được làm lán trại và san ủi mặt bằng nhưng do không cung cấp được biên bản làm việc để chứng minh nên tại Công văn số 346/CV-GT ngày 15.8.2023 về việc thi công hạ tầng kỹ thuật qua phạm vi thửa đất số 324 tờ bản đồ số 34, công ty cổ phần Trường Sơn 532 đã nhận sai sót và cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm do mình gây ra. Do vậy, trường hợp này, chủ hộ có thể trình báo với chính quyền địa phương sở tại và xác định cụ thể thiệt hại để chính quyền địa phương tiếp nhận xử lý, yêu cầu đơn vị gây thiệt hại phải bồi thường.

Trả lời câu hỏi về quy trình xây dựng các khu tái định cư có thực hiện đúng theo quy định, Ban QLDA cho rằng, dự án Tuyến đường vành đai phía Tây triển khai thi công từ tháng 10/2018. Trong thời gian đầu, công tác xác định số lượng hồ sơ đất ở giải tỏa, nhu cầu tái định cư, nguyện vọng người dân, lựa chọn địa điểm tái định cư chưa hoàn thành nên hội đồng giải phóng mặt bằng ưu tiên giải quyết và bàn giao các trường hợp đất nông nghiệp (chiếm khoảng 80% diện tích đất) để triển khai.

Đối việc xây dựng các khu tái định cư do thời gian lựa chọn vị trí địa điểm, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các khu tái định cư kéo dài (từ tháng 8.2018 - tháng 7/2019), thời gian phê duyệt dự án kéo dài (từ tháng 10.2019 – tháng 7.2020), công tác giải phóng mặt bằng chưa kịp thời với tiến độ thi công, khó khăn về thời tiết, dịch bệnh… nên các dự án chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Hiện nay, ngoài khu tái định cư Hòa Phú đã bàn giao được 128/151 lô (có 4 trường hợp đã xây nhà), Ban đang chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư còn lại (Hòa Phong, Hòa Khương) để sớm bàn giao đất cho người dân.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện gia đình hộ ông Nguyễn Xuân Lương cho biết, không đồng tình với nhiều quan điểm “biện hộ” của Ban QLDA đưa ra. Trong đó, khẳng định gia đình chưa bao giờ nhận được tham vấn ý kiến cộng đồng khi triển khai dự án cũng như đi hiện trường để kiểm đếm tài sản là cây cối, hoa màu.

“Nếu Ban QLDA nói nhà thầu sai thì trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước trong vụ việc này nằm ở đâu? Chủ đầu tư, UBND xã, huyện rồi Ban giải phóng mặt bằng huyện... Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lý vi phạm của cá nhân, tập thể sai phạm, không thể đổ hết lỗi cho nhà thầu”, đại diện hộ gia đình ông Lương cho hay.

Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã có bài phản ánh về việc thi công dự án Khu tái định cư Hòa Phú (Hòa Vang, Đà Nẵng) chưa áp giá đền bù đối với phần diện tích đất của hộ ông Nguyễn Xuân Lương nhưng nhà thầu đã mang máy móc, thiết bị đến san ủi hết hoa màu, cây cối. Phó Giám đốc phụ trách Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang Trần Văn Hiếu cũng xác nhận chưa bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng của hộ này cho chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng. Việc tự ý san ủi đất của người dân như trên là sai, trách nhiệm này thuộc về đơn vị thi công và chủ đầu tư.

* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Tấn Tài
#