Hội nghị thượng đỉnh G7

Thách thức địa chính trị mới

- Thứ Năm, 30/06/2022, 06:10 - Chia sẻ

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa qua đã có cuộc họp tại lâu đài Elmau, thuộc bang Bavaria (Bayern), miền Nam nước Đức. Tại sự kiện lần này, các nhà lãnh đạo thảo luận nhằm tìm kiếm cách thức phản ứng chung đối với vấn đề lạm phát và mối đe dọa suy thoái, đồng thời nhất trí cùng đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu và bảo đảm cho vấn đề an ninh năng lượng. 

Nguồn: The Guardian
Nguồn: The Guardian

Đây là lần thứ hai lâu đài Elmau được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7, và Đức đóng vai trò chủ nhà của hội nghị quan trọng này. Khi giữ vai trò chủ tịch G7 đầu năm nay, Đức đã đặt mục tiêu đạt “Tiến bộ vì một thế giới công bằng”, đồng thời mong muốn củng cố vai trò của G7 với tư cách là cầu nối và trung gian hòa giải cho hòa bình và an ninh.

Tuyên bố chung về căng thẳng Nga - Ukraine

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước thành viên đã đưa ra tuyên bố chung về căng thẳng Nga - Ukraine, đồng thời xem xét một gói hành động mới. Bên cạnh đó, G7 khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao với Ukraine trong thời gian cần thiết. Tuyên bố trên đặc biệt nêu rõ việc các nền kinh tế hàng đầu sẽ tìm cách tạo ra hành lang an toàn cho những người tị nạn, bằng cách hợp lý hóa các thủ tục nhập cư và các yêu cầu về thị thực. Các nước thành viên G7 khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của Ukraine, bao gồm phục hồi và tái thiết.

Bên cạnh tuyên bố chung về tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu năng lượng từ Nga. Ngoài năng lượng, nhóm G7 sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế hơn nữa việc Nga tiếp cận các nguyên liệu công nghiệp, dịch vụ và công nghệ then chốt cho công nghiệp quốc phòng. Mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G7 không chỉ nhằm trực tiếp vào nguồn thu của Nga, đặc biệt là thông qua năng lượng, mà còn giảm thiểu tác động lan rộng đối với các nền kinh tế G7 nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung.

Khẳng định các mục tiêu chống khủng hoảng khí hậu 

Một trong những chủ đề được quan tâm nhất bên cạnh chiến sự đặc biệt giữa Nga-Ukraine, những vấn đề về biến đổi khí hậu cũng được các nước quan tâm hơn bao giờ hết. Trước đó, đồng Chủ tịch đảng Xanh của Đức Ricarda Lang đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 coi việc tìm ra các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu là một trọng tâm của hội nghị, và nhấn mạnh rằng, các quyết định đưa ra phải dựa trên các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu phải tiếp tục là định hướng hành động và không nên đảo ngược tiến trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã cam kết chống biến đổi khí hậu, đồng thời với việc bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng. Tuyên bố đặc biệt nêu rõ mục tiêu về việc dần loại bỏ than đá và xây dựng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo một cách công bằng về mặt xã hội. Lãnh đạo các nước đối tác tham dự hội nghị gồm Ấn Độ, Indonesia, Senegal, Nam Phi và Argentina cũng đã bày tỏ sự đồng thuận với các mục tiêu này.

Trong khi đó, theo một tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã được đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 rằng, các nước sẽ hợp tác cùng nhau nhằm tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga. Vì cuộc chiến tại Ukraine, Mỹ đã tăng gần gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Kể từ hồi tháng 3, xuất khẩu LNG toàn cầu sang châu Âu của Mỹ đã tăng 75% so với năm 2021.

Trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo G7 và lãnh đạo 5 nước đối tác đã tham dự cuộc họp chung, và bàn về cuộc khủng hoảng khí hậu và vấn đề an ninh năng lượng và y tế. Trước nguy cơ xảy ra nạn đói, đặc biệt là ở Đông Phi, các nước G7 đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các nước G7 đang rất quan tâm tới vấn đề an ninh lương thực và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ giải quyết vấn đề này, trong đó tài chính có thể là một công cụ được sử dụng để bảo đảm có thể tránh được nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều khu vực. Trong phiên thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và nguy cơ xảy ra nạn đói, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng đã phát biểu và tham dự phiên thảo luận, thông qua hình thức trực tuyến. 

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng 

Tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp nước chủ nhà Olaf Scholz đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hướng đến hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến tổ chức tại thành phố Hiroshima vào năm 2023, khi Nhật Bản giữ chức chủ tịch luân phiên của G7. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, tại cuộc gặp song phương bên lề, hai vị lãnh đạo đã cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thu xếp tổ chức cuộc họp "2+2" giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có cuộc gặp song phương, trong đó hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm giúp đỡ các nước dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng lương thực do xung đột ở Ukraine, đồng thời tìm kiếm hợp tác nhiều mặt đặc biệt trong lĩnh vực không gian mạng, không gian và điện hạt nhân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Như Ý