Bước ngoặt cho thương mại châu Á

- Chủ Nhật, 26/03/2023, 13:52 - Chia sẻ

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đang tập trung vào khả năng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi những tác động mà những thay đổi này có thể hiện hữu đối với sự phát triển của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở cao.

Đông Á trỗi dậy

Theo Brookings, thương mại là động lực chính cho phát triển ở Đông Á với việc Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được vị thế thu nhập cao thông qua các chiến lược phát triển định hướng xuất khẩu. Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á, ngày nay chiếm 17% thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ. Với tỷ lệ thương mại trên GDP trung bình là 105%, các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á trao đổi tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ mà họ sản xuất qua biên giới cao hơn so với các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latin (73,2%), Nam Á (61,4%), và châu Phi (73%). Chỉ các quốc gia thành viên EU (138 %), được biết đến là khối thương mại khu vực hội nhập sâu sắc nhất trên thế giới, có giao dịch nhiều hơn.

Cùng với sự trỗi dậy của Đông Á mới nổi trong thương mại toàn cầu, thương mại nội khối giữa các nền kinh tế trong khu vực này đã mở rộng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Trên thực tế, sự gia tăng thương mại nội khối chiếm hơn nửa tổng tăng trưởng xuất khẩu ở Đông Á mới nổi trong thập kỷ qua, trong khi xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và Mỹ chiếm khoảng 30%. Năm 2021, thương mại nội khối chiếm khoảng 40% tổng thương mại của khu vực, tỷ trọng cao nhất kể từ năm 1990.

Nguồn: Getty Images
Nguồn: Getty Images

Thực tế, động lực của thương mại nội khối Đông Á đang thay đổi. Ban đầu, phần lớn quá trình hội nhập thương mại trong khu vực được thúc đẩy bởi thương mại nội ngành đang phát triển nhanh chóng. Nó phản ánh khả năng lan rộng của các chuỗi giá trị toàn cầu xuyên biên giới với sự chuyên môn hóa theo chiều dọc và sự phân tán về mặt địa lý của các quy trình sản xuất trên toàn khu vực. Điều đó giúp gia tăng mạnh về thương mại hàng hóa trung gian giữa các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong khi EU, Nhật Bản và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính cho hàng hóa cuối cùng. Hãy nghĩ rằng chất bán dẫn và các bộ phận máy tính khác được giao dịch từ các nền kinh tế có mức lương cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, để lắp ráp cuối cùng ở các nền kinh tế có mức lương thấp hơn, ban đầu là Malaysia, Trung Quốc và gần đây là Việt Nam, rồi các sản phẩm cuối cùng như tivi, máy tính, hay điện thoại di động được chuyển đến người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Các nguồn cầu thế giới đã và đang dịch chuyển. Thương mại nội khối không còn chủ yếu phản ánh thay đổi trong mô hình sản xuất, mà ngày càng được củng cố bởi thay đổi trong nguồn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu cuối cùng. Với thu nhập và dân số tăng nhanh, tăng trưởng nhu cầu trong nước ở Đông Á mới nổi trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây, tăng trung bình 6,4% mỗi năm trong vòng 10 năm qua, vượt cả tốc độ tăng trưởng GDP và thương mại trung bình trong giai đoạn đó.

Trung Quốc hiện không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trong khu vực mà còn là nguồn cầu cuối cùng lớn nhất của khu vực, gần đây đã vượt Mỹ và EU. Giá trị gia tăng xuất khẩu được hấp thụ bởi nhu cầu cuối cùng ở Trung Quốc đã tăng từ 1,6% GDP của khu vực năm 2000 lên 5,4% GDP vào năm 2021. Đồng thời, nhu cầu cuối cùng từ các nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Á cũng đang tăng lên, mở rộng từ khoảng 3% GDP vào năm 2000 lên trên 3,5% GDP vào năm 2021.

Những dịch chuyển mô hình thương mại này phản ánh quá trình thay đổi mạnh mẽ về địa lý và cấu trúc của thị trường tiêu dùng toàn cầu. Tầng lớp trung lưu mới nổi ở Đông Á tăng nhanh từ 834,2 triệu người năm 2016 lên khoảng 1,1 tỷ người vào năm 2022. Ngày nay, hơn nửa dân số- chính xác là 54,5%- đã gia nhập tầng lớp tiêu dùng toàn cầu, được định nghĩa là có mức chi tiêu tiêu dùng hàng ngày từ 11 USD mỗi ngày trở lên.

Theo định nghĩa này, Đông Á chiếm 29% dân số thuộc tầng lớp tiêu dùng toàn cầu vào năm 2022, và đến năm 2030, cứ 3 thành viên của tầng lớp trung lưu thế giới thì có một người là dân Đông Á. Trong khi đó, thị phần của Mỹ và EU trong tầng lớp người tiêu dùng toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 19,2% xuống 15,8%. Theo các nhà kinh tế của Viện Brookings, nếu xem xét chi tiêu của tầng lớp người tiêu dùng, khu vực Đông Á mới nổi dự kiến sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất trong thập kỷ này.

Tấm đệm chống lại bất ổn toàn cầu

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á được biết đến là công xưởng của thế giới. Họ đóng vai trò quan trọng không kém khi mở rộng nhanh chóng các thị trường tiêu dùng đang bắt đầu định hình làn sóng tiếp theo của dòng chảy thương mại trong khu vực và toàn cầu. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế, ở trong nước, các chính sách hỗ trợ việc làm và thu nhập hộ gia đình có thể giúp củng cố vai trò của tiêu dùng tư nhân ở trạng thái ổn định ở một số quốc gia, chủ yếu là Trung Quốc, và trong các cú sốc ở tất cả các quốc gia. Bên ngoài biên giới, các chính sách hạ thấp rào cản đối với thương mại khu vực có thể thúc đẩy hội nhập khu vực sâu hơn. Mặc dù thuế quan trung bình đã giảm và ở mức thấp đối với hầu hết hàng hóa, nhưng các hàng rào phi thuế quan khác nhau vẫn còn đáng kể và thương mại dịch vụ xuyên biên giới, bao gồm cả dịch vụ kỹ thuật số vẫn cồng kềnh.

Các hiệp định thương mại đa phương, chẳng hạn như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang đến cơ hội giải quyết những hạn chế này. Hội nhập kinh tế và thương mại nội vùng mạnh mẽ hơn có thể giúp đa dạng hóa không chỉ các chuỗi cung ứng, mà còn cả nguồn cầu, hoạt động như tấm đệm chống lại bất ổn trong thương mại và tăng trưởng toàn cầu.

Linh Anh
#